10:01, 27/01/2019

Chi trả tiền bảo hiểm sau bão: Nhiều Doanh nghiệp vẫn chưa nhận đủ

Đã hơn 1 năm kể từ khi cơn bão số 12 năm 2017 đi qua, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận hết tiền chi trả bảo hiểm để khắc phục tổn thất. Mới đây, cơn bão số 8 năm 2018 tiếp tục gây thiệt hại khiến các doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn.

Đã hơn 1 năm kể từ khi cơn bão số 12 năm 2017 đi qua, song nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa nhận hết tiền chi trả bảo hiểm để khắc phục tổn thất. Mới đây, cơn bão số 8 năm 2018 tiếp tục gây thiệt hại khiến các DN đã khó lại càng khó hơn.


Doanh nghiệp gặp khó


Trong cơn bão số 12 xảy ra cách đây hơn 1 năm, các DN trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Tổng Công ty Khánh Việt, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Khuê... là những đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất, từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 1.000 tỷ đồng thiệt hại thuộc diện bảo hiểm và sẽ do các công ty bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, đến nay, nhiều DN mới chỉ nhận được 50% số tiền bảo hiểm.

 

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.


Ông Lý Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, việc thanh toán tiền bảo hiểm rất chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất, kinh doanh của công ty. “Trong cơn bão cách đây hơn 1 năm, chúng tôi thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại, Bảo Việt Khánh Hòa và Bảo Minh Khánh Hòa mới chi trả được hơn 16 tỷ đồng (khoảng hơn 50% số tiền bảo hiểm phải chi trả). Số tiền còn lại không biết đến khi nào mới thanh toán xong. Đã vậy, trong cơn bão số 8 năm 2018, công ty tiếp tục bị thiệt hại nhưng hiện chưa được bảo hiểm tạm ứng”.


Tương tự, Tổng Công ty Khánh Việt cũng bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 12 năm 2017. Sau bão, Nhà máy thuốc lá Khatoco thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng; Xí nghiệp may Khatoco thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Hiện việc nhận tiền bảo hiểm của Tổng Công ty Khánh Việt vẫn chưa hoàn tất. Ông Lê Tiến Anh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt cho biết: “Đến giờ này, có DN trực thuộc Tổng Công ty Khánh Việt vẫn còn 50% số tiền bảo hiểm chưa được thanh toán. Cứ kéo dài như vậy DN lấy vốn đâu để kinh doanh? Nếu không sớm có giải pháp, các DN sẽ gặp không ít khó khăn”.


Ngoài ra, theo các DN, hiện các đơn vị bảo hiểm đưa ra rất nhiều điều khoản có yêu cầu rất cao, gây bất lợi cho DN khi mua lại bảo hiểm cho tài sản, hàng hóa. Đồng thời, phí mua bảo hiểm cũng tăng lên so với các năm trước.


Chậm vì nhiều nguyên nhân


Được biết, cuối năm 2017, các công ty bảo hiểm đã giám định được 90% tài sản bảo hiểm bị thiệt hại và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2, tính toán bồi thường. Để giải quyết khó khăn trước mắt với những trường hợp chưa chi trả được, trong tháng 12-2017, các đơn vị bảo hiểm đã thực hiện chi trả tạm ứng bồi thường với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Đối với các vụ có số tiền bảo hiểm lớn và phức tạp, các đơn vị bảo hiểm cam kết việc chi trả chậm nhất sẽ diễn ra trước quý II/2018. Song, đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, việc chi trả bảo hiểm vẫn còn nhiều vướng mắc. 


Giải thích vấn đề này, ông Võ Bình Đông Dương - Phó Giám đốc phụ trách Bảo Việt Khánh Hòa cho biết:  “Sở dĩ việc chi trả tiền bảo hiểm bị kéo dài bởi trong cùng một lúc xảy ra quá nhiều vụ. Đặc biệt, có những vụ rất phức tạp và có giá trị thiệt hại lớn như: Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Hyundai Vinashin thì thời gian tính toán sẽ rất lâu. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thiết bị được bảo hiểm bị hư hại đa phần đều là các thiết bị đặc chủng có giá trị lên tới hàng triệu USD. Do đó, đơn vị bảo hiểm phải thuê các giám định độc lập ở nước ngoài để họ sang tận nơi giám định. Bên cạnh đó, các thiết bị máy móc công nghiệp bị hư hại có kết cấu khá phức tạp và không bán rộng rãi trên thị trường nên việc xác định được giá trị hiện tại cũng không hề đơn giản. Sau khi các đơn vị giám định nước ngoài giám định và lên được khối lượng cũng như giá cả đền bù thì vụ nào thuộc thẩm quyền của Bảo Việt Khánh Hòa thì chúng tôi sẽ giải quyết luôn. Vụ nào thuộc thẩm quyền của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt thì để Tổng Công ty giải quyết”. Theo ông Dương, những DN chưa nhận đủ tiền bảo hiểm là do các bên chưa thống nhất được giá trị bồi thường. Đơn cử như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, 2 bên đã họp bàn rất nhiều lần nhưng vẫn chưa thống nhất được giá trị của tài sản thiệt hại.


Ông Nguyễn Trọng Đức - Giám đốc Công ty Bảo Minh Khánh Hòa cũng cho biết: “Về phần chúng tôi đã cơ bản hoàn thành các khoản thanh toán cho các đơn vị của Khatoco. Đối với Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, do có những hạng mục bảo hiểm liên quan đến Bảo Việt, do đó chúng tôi phải đợi phía Bảo Việt thống nhất được mức độ thiệt hại. Sau đó 2 bên sẽ bàn bạc để chia tỷ lệ chi trả”. Riêng bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 8 năm 2018, hiện nay Bảo Minh Khánh Hòa đang thẩm định giá và tiến hành đấu thầu bán các tài sản hư hỏng. Khi nào hoàn tất thì Bảo hiểm Bảo Minh sẽ tạm ứng tiền chi trả bồi thường cho các DN.


Đối với vấn đề các điều khoản tái bảo hiểm trong năm 2019 và phí mua bảo hiểm bị nâng cao, ông Đức và ông Dương đều cho rằng như vậy là theo đúng cơ chế thị trường. Bởi theo ông Dương, các DN như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang hay Khatoco và một số đơn vị khác ở Khánh Hòa liên tục gặp thiên tai trong những năm gần đây. Có nhiều DN bị 3 năm liên tục, tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng khiến bảo hiểm phải bỏ ra một số tiền rất lớn để bồi thường. “Như ở Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, hàng năm Bảo Minh chỉ thu được 190 triệu đồng tiền phí nhưng một lần bồi thường đã mất gần 30 tỷ đồng. Hoặc như Khatoco, trong cơn bão số 12 chúng tôi phải bồi thường thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Nếu không tăng phí và các điều khoản thì không công ty bảo hiểm nào dám nhận bảo hiểm cho các DN này vì độ rủi ro rất cao”, ông Đức chia sẻ.


Đình Lâm