11:12, 02/12/2018

"Quên" trợ cấp thôi việc cho người lao động

Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cố tình "quên" chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động diễn ra khá phổ biến. 

Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cố tình “quên” chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLĐ) diễn ra khá phổ biến. Nếu các ngành chức năng không thanh tra, kiểm tra thì hàng loạt NLĐ sẽ bị mất đi những quyền lợi chính đáng.


Nhiều doanh nghiệp “quên”


Tháng 9-2015, ông Huỳnh Hòa (huyện Cam Lâm) được Công ty TNHH MTV May mặc thương mại và Dịch vụ Minh Sơn (huyện Cam Lâm) tuyển dụng vào làm việc. Đến tháng 3-2016, ông tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại DN. Tháng 7-2018, ông Hòa phải nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Theo quy định, sau khi ông nghỉ việc, công ty phải thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho ông với khoảng thời gian làm việc là 2 năm 4 tháng. Tuy nhiên đến nay, công ty này vẫn chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho ông. Ông Hòa chia sẻ: “Do tôi chưa hiểu về các quy định của pháp luật nên cũng không biết mình được hưởng trợ cấp thôi việc, từ đó cũng không đòi hỏi công ty thực hiện. Chỉ đến khi các ngành chức năng tới kiểm tra thì mới biết điều này”. Không chỉ riêng ông Hòa, khi ngành chức năng kiểm tra tại Công ty TNHH MTV May mặc thương mại và Dịch vụ Minh Sơn thì phát hiện có tới 95 NLĐ đã nghỉ việc có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc nhưng chưa được chi trả trợ cấp. Việc làm này của DN là vi phạm pháp luật.

 

Đại diện ngành chức năng phổ biến chính sách pháp luật  cho công nhân Công ty TNHH MTV May mặc thương mại và dịch vụ Minh Sơn.

Đại diện ngành chức năng phổ biến chính sách pháp luật cho công nhân Công ty TNHH MTV May mặc thương mại và dịch vụ Minh Sơn.


Tương tự, tháng 1-2005, ông Phạm Văn Minh được Công ty Cổ phần Du lịch Hồng Hải (TP. Nha Trang) tuyển dụng vào làm việc. Nhưng vì lý do gia đình nên đến tháng 8-2017, ông làm đơn xin nghỉ việc và được công ty chấp thuận. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa chi trả khoản tiền trợ cấp thôi việc với thời gian 12 năm 6 tháng cho ông Minh. Không chỉ vậy, khi các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thì phát hiện công ty này cũng chưa thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho 66 NLĐ khác đã nghỉ việc có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc.


Còn bà Nguyễn Thị Hồng có 7 năm làm việc và tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty TNHH Ngọc Trai Việt Nam (huyện Vạn Ninh), nghỉ việc từ tháng 5-2018 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận trợ cấp thôi việc. Không riêng gì bà Hồng, tại công ty này còn có 23 NLĐ khác cũng bị “quên” chi trả trợ cấp...



Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra


 Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thanh tra hơn 30 DN, qua đó phát hiện khoảng 15 DN chưa thực hiện nghiêm túc việc chi trả trợ cấp thôi việc cho hàng trăm NLĐ có đủ điều kiện hưởng. Sau khi phát hiện, sở yêu cầu các DN khẩn trương rà soát và chi trả cho NLĐ. Sau khi thực hiện chi trả phải báo cáo cho sở và kèm theo các quyết định chi trả, phiếu chi hoặc phiếu chuyển khoản cho NLĐ làm bằng chứng khi tiến hành kiểm tra lại.


Trợ cấp thôi việc là một khoản tiền người sử dụng lao động phải trả cho NLĐ trong hầu hết các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động. Đặc biệt, trợ cấp thôi việc cũng đã được quy định rất rõ trong Bộ luật Lao động năm 2012 cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn rất nhiều DN phớt lờ chi trả khoản tiền này cho NLĐ khi nghỉ việc.


Ông Bùi Đăng Thành - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 DN, trong khi đó, mỗi năm, các ngành chức năng chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra được khoảng 50 DN. Qua đó, phát hiện và chấn chỉnh, yêu cầu các DN thực hiện chi trả trợ cấp theo đúng quy định. Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những DN vi phạm. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cơ sở cần nâng cao trách nhiệm, năng lực giám sát việc DN thực hiện các quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận biết pháp luật cho NLĐ để chính họ tự bảo vệ quyền lợi cho mình.


VĂN GIANG


 



Điều 47 và 48 Bộ luật Lao động quy định: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.