Nhiều năm nay, người dân thôn Tân Hiệp, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh phải sống khổ sở vì các mỏ đá trên địa bàn xã. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 9 vừa qua, nước từ khu vực mỏ đá tràn xuống mang theo bột đá lấp hết ruộng vườn, hoa màu của người dân.
Nhiều năm nay, người dân thôn Tân Hiệp, xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh phải sống khổ sở vì các mỏ đá trên địa bàn xã. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 9 vừa qua, nước từ khu vực mỏ đá tràn xuống mang theo bột đá lấp hết ruộng vườn, hoa màu của người dân.
Tàn phá hoa màu
Trong cơn bão số 9 vừa qua, TP. Cam Ranh có lượng mưa lớn nhất tỉnh, trong đó xã Cam Phước Đông bị ngập nặng. Theo người dân thôn Tân Hiệp, suốt mấy chục năm nay chưa khi nào nước chảy xiết và bị ngập nặng đến vậy. Nước chảy quá mạnh đã khiến đất đá từ núi Hòn Ông và núi Hố Hành, nơi có các nhà máy khai thác đá chảy xuống tàn phá ruộng vườn, hoa màu, tràn vào nhà dân, gây thiệt hại nặng nề.
Ông Phan Thanh Hải - người dân thôn Tân Hiệp cho biết, nhà ông có 1,5 sào trồng hoa lay-ơn để chuẩn bị bán dịp Tết cùng 1 sào hành lá và 2,5 sào rau quả đều bị nước cuốn trôi. Đến nay, tuy nước đã rút nhưng gia đình ông vẫn không thể trồng lại được do một lớp bột đá lẫn đất dày khoảng 10 - 20cm đã lấp ruộng. “Tôi muốn cải tạo đất để kịp trồng rau cho vụ Tết nhưng không biết làm thế nào. Nông dân chúng tôi lấy đâu máy móc để cào hết lớp đất, đá ở phía trên”, ông Hải phàn nàn.
Gia đình ông Phạm Văn Reo có hơn 1,5 sào ớt và 1,5 sào rau lang đang thu hoạch cũng bị nước cuốn trôi. Ông Reo cho rằng, khi chưa có dự án khai thác đá trên núi, mỗi lần mưa lớn thì nước chảy tràn ra, không gây thiệt hại nhiều. Hiện nay núi bị đào lấy đá, nước chảy thành dòng lớn mang theo đá đã phá hủy hết ruộng vườn của người dân. Theo thống kê sơ bộ, có hàng trăm hộ ở thôn bị thiệt hại hoa màu do nước lũ, trong khi đây là nguồn thu nhập chính của người dân.
Sẽ yêu cầu 2 mỏ đá hỗ trợ dân
Theo lãnh đạo UBND xã Cam Phước Đông, trên địa bàn xã hiện nay có mỏ đá Hóa An của Công ty TNHH Đá Hóa An 1 và mỏ đá Hố Hành của Công ty TNHH Phước Thành. Mỏ đá Hố Hành được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ngày 27-8-2013, có diện tích 25ha, công suất 200.000m3/năm. Mỏ đá Hóa An được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ngày 6-4-2011, có diện tích 25,6ha, công suất 490.000m3/năm. Hai mỏ đá này đều có thời hạn 30 năm, nằm ở thôn Giải Phóng. Tuy nhiên, do hai mỏ đá nằm giáp thôn Tân Hiệp nên quá trình khai thác đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân ở thôn này. Trong các đợt mưa lớn của những năm trước, nước kèm bột đá ở hai mỏ đá này cũng tràn xuống nhưng số lượng không nhiều. Người dân ở thôn Tân Hiệp cũng đã nhiều lần phản ánh vấn đề ô nhiễm ở hai mỏ đá nhưng rất khó giải quyết triệt để bởi loại hình khai thác đặc thù này.
Ông Cao Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, xã đã tổ chức thống kê thiệt hại hoa màu của các hộ. Tuy nhiên mới đây, người dân thôn Tân Hiệp đã có kiến nghị về hoa màu và đất canh tác bị tàn phá do nước kèm bột đá từ các mỏ đá tràn xuống. Chính vì vậy, UBND xã đã làm việc trực tiếp với từng hộ để thống kê thiệt hại do nước lũ tràn xuống. Ngoài ra, xã cũng động viên người dân cố gắng cải tạo đất để trồng vụ hoa màu mới nhằm ổn định đời sống khi Tết sắp đến.
UBND xã Cam Phước Đông đang liên hệ với hai công ty khai thác mỏ đá để đề nghị hỗ trợ người dân dọn đất lẫn bột đá vùi lấp đồng ruộng, đồng thời có phương án hỗ trợ xây lại kênh mương bị phá hủy để nông dân dẫn nước tưới cho hoa màu. Về lâu dài, UBND xã sẽ báo cáo UBND TP. Cam Ranh làm việc lại với hai chủ đầu tư mỏ đá có giải pháp bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến đời sống người dân, đặc biệt là giải pháp thu gom nước trên núi chảy xuống khi có mưa lớn.
VĂN KỲ