Mấy tháng gần đây, tại khu vực thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang xảy ra tình trạng người dân gom mua đất rừng, phân lô để sang tay trái phép. Điều đáng nói, tình trạng mua bán đất rừng diễn ra khá công khai nhưng chính quyền địa phương cho biết chưa nắm được vấn đề này…
Mấy tháng gần đây, tại khu vực thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang xảy ra tình trạng người dân gom mua đất rừng, phân lô để sang tay trái phép. Điều đáng nói, tình trạng mua bán đất rừng diễn ra khá công khai nhưng chính quyền địa phương cho biết chưa nắm được vấn đề này…
Phân lô đất rừng để bán
“Bán đất nền phân lô, vị trí tại Lương Sơn, Vĩnh Lương, cách Phạm Văn Đồng 300m; mặt bằng cao, bằng phẳng so với xung quanh, nhìn thẳng ra biển; đường bê tông 3m vào thẳng lô đất, đường nội bộ rộng từ 5 - 8m, hiện đã phân lô từ 75 - 130m, thích hợp cho khách đầu tư, giá từ 1,7 - 2,5 triệu đồng/m2”… Đây là những thông tin về đất phân lô có nguồn gốc đất rừng đang được thảo luận sôi nổi trên mạng về bất động sản tại Nha Trang. Trên các nhóm chát zalo, ngoài những lời mời chào, hình chụp hiện trạng, sơ đồ phân lô, còn có vị trí được đánh dấu trên google để người có nhu cầu dễ dàng tìm đến nơi.
Khi chúng tôi tìm đến vị trí được hướng dẫn trên bản đồ thì không khí còn sôi động hơn trên mạng zalo, bởi chỉ trong một khu vực nhỏ, cùng lúc có 3 - 5 người bán cùng hàng chục người mua. Giá cả, vị trí, thủ tục pháp lý, xây dựng đều được thảo luận rôm rả, việc mua bán cũng diễn ra nhanh chóng như một phiên chợ. Khu vực diễn ra giao dịch sôi động là những đám đất vừa được san gạt tại thôn Lương Sơn 3, nằm bên cạnh con đường bê tông từ phía tây đường Phạm Văn Đồng vào ngược núi. Khu đất này trước đây là đồi núi, nay đã được san phẳng, phân lô, rao bán.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ quan tâm, người đàn ông xưng tên Hùng chìa ra sơ đồ khu đất không dưới 20 lô giới thiệu: “Tôi là chủ lô đất này, nhưng các lô mặt tiền đường bê tông, giá 2 triệu đồng/m2 đã có người mua hết rồi. Hiện tại chỉ còn 2 lô duy nhất nằm phía sau, không được vuông vức, giá 1,5 triệu đồng/m2, chưa có ai mua. Muốn mua phía trước chỉ có cách mua lại thôi”. Không chỉ riêng ông Hùng, ở khu vực này, người bán đất cũng nhiều mà người mua đất cũng không ít. Chỉ cần có khách tới hỏi mua, lập tức nhiều người xúm lại giới thiệu có đất bán. Dân đi mua đất đầu cơ cũng nhiều. Thấy chúng tôi lưỡng lự, một người phụ nữ luống tuổi, tự giới thiệu tên Trang, đon đả: “Tôi là dân địa phương, vẫn còn nhiều lô phía ngoài đẹp lắm. Bọn buôn nó chơi chiêu, cứ nói lô đẹp đã có người mua để bán các lô xấu trước. Đó là những lô bị dị dạng, xéo góc, nằm lọt vào phía sau. Mua đi, từ sáng đến giờ tôi bán 2 lô rồi”.
Bà T. - người dân địa phương kể, mấy tháng gần đây, khu vực này bỗng rộ lên việc mua bán đất. Người mua đất đa phần là từ nơi khác tới, gom mua đất rẫy của người dân từng mảnh lớn, tính theo sào, héc-ta. Sau đó gộp lại, phân lô khoảng từ 70 đến 150m2 bán lại cho ai có nhu cầu. Giá đất cũng tùy theo vị trí, dao động từ 1 triệu đến hơn 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc mua bán thì chỉ sang bằng giấy tay, giữa người mua với người bán.
Có đường dây?
Hầu hết các khu đất khu vực này được phân lô bán đều được các công ty dịch vụ địa chính đo vẽ, cắm mốc rất bài bản. Những người bán đều khăng khăng các lô đất là đất rừng sản xuất, sau này sẽ được quy hoạch đất ở. Hiện nay, điện đã có sẵn, còn nước thì phải dùng nước giếng. Nhiều người mua quan tâm nhất là vấn đề xây dựng nhà ở. Những người bán đều cho biết, khu vực xung quanh hiện đã có một số nhà xây dựng trái phép trên đất rừng. Vì vậy, muốn xây dựng được thì phải “chung chi”. “Điện thì kéo nhờ hàng xóm, nước thì chúng tôi sẽ khoan giếng, lắp bể, dùng chung cho các hộ. Việc xây nhà thì an tâm, vì xung quanh đã có nhiều hộ ở sẵn từ lâu, trong đó có một số trường hợp đã xây dựng không phép”, Vinh - một cò bán đất giải thích.
Sau một hồi ngã giá mua đất, chúng tôi đặt vấn đề xây nhà ở khu vực này, ông Hùng liền chỉ căn nhà của mình nằm sát con đường bê tông và cho biết, ông là người địa phương và chính là chủ của nhiều khu đất ở đây. Ông khuyên nếu khách muốn mua đất ở khu vực này, không nên mua qua cò đất, mà nên mua qua tay ông. Vì chỉ có ông mới lo được giấy tờ êm xuôi, kêu được thợ xây và đảm bảo cho việc xây nhà mà không bị cơ quan chức năng “rờ” tới. “Nhà được bao lo xây ở rồi, đảm bảo không ai dám lấy của mình, nếu ai rờ tới là phải đền bù. Người ta ở đầy ra đấy, không lẽ mất hết sao mà lo”, ông Hùng quả quyết.
Thôn Lương Sơn 3 có khoảng gần 600 hộ, trong đó có khoảng 50 hộ đăng ký tạm trú. Người dân chủ yếu làm rẫy và làm biển. Cách đây khoảng 3 tháng, trên địa bàn thôn được Nhà nước đầu tư một con đường bê tông dài khoảng 1,5km chạy dọc thôn và dẫn lên rẫy để tạo điều kiện cho người dân đi lại sản xuất thuận tiện. Từ khi có đường, một số đối tượng gom mua đất rừng, phân lô bán nền, tạo nên cơn sốt mua bán đất ở khu vực này trong mấy tháng gần đây. |
Tại thôn Lương Sơn 3, việc mua bán đất đang diễn ra nhộn nhịp, thế nhưng khi làm việc với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lương cho biết chưa nắm được tình hình và sẽ cho người kiểm tra.
Bà Võ Thị Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết, khu vực phóng viên phản ánh là khu vực đất rừng sản xuất, người dân đang trồng các loại cây rừng, cây ăn quả. Thời gian qua, khu vực này đã diễn ra tình trạng người dân lấy lý do cải tạo vườn tạp, tự ý san ủi, tạo mặt bằng và địa phương đã có xử phạt. Tuy nhiên, việc người dân tự ý mua bán, sang nhượng đất rừng bằng giấy tay, không thông qua UBND xã nên địa phương chưa nắm được cụ thể. Nguyên nhân thôn Lương Sơn 3 cách xa trung tâm xã, địa hình đồi núi, bị khuất lấp bởi cây cối nên việc quản lý và quản lý xây dựng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, khu vực này là đất rừng sản xuất, việc người dân phân lô với diện tích nhỏ 100 - 150m2 để bán xây dựng nhà ở là hoàn toàn sai. “Vì là đất rừng nên không ai mua diện tích nhỏ như vậy để trồng trọt cả, chỉ có thể mua vì mục đích xây dựng nhà ở. Việc mua bán này không hợp pháp, không được chính quyền công nhận, vì thế người mua sẽ chịu thiệt thòi. Địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, không để xây dựng trái phép xảy ra, gây tình hình phức tạp về sau”, bà Huệ nói.
L.K