10:11, 16/11/2018

Xe dù hoạt động ngày càng tinh vi

Hơn 2 năm qua, nhu cầu đi lại của khách ngày càng tăng cao, vì thế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đưa xe dù vào hoạt động, hợp thức hóa việc đón trả khách...

Hơn 2 năm qua, nhu cầu đi lại của khách ngày càng tăng cao, vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đưa xe dù vào hoạt động, hợp thức hóa việc đón trả khách...


Nhiều chiêu lách luật


Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết, các DN kinh doanh vận tải thường lợi dụng danh nghĩa xe hợp đồng để đón khách lẻ tại các khách sạn, nhà riêng… nhưng luôn chuẩn bị sẵn hợp đồng và danh sách hành khách để đối phó với lực lượng chức năng. Trong khi đó, lực lượng thanh tra giao thông không có thẩm quyền để kiểm tra, đối chiếu danh sách hành khách qua chứng minh nhân dân. Mặt khác, những tụ điểm đón, trả khách trên đường là loại hình kinh doanh vận tải hành khách có hợp đồng (có hành trình đi và về lặp đi lặp lại hàng ngày như tuyến cố định). Điểm đón trả khách thể hiện rõ trong hợp đồng vận tải khách theo đúng quy định, tuy biết đó là chiêu thức hoạt động của xe dù nhưng thanh tra giao thông không xử lý được hành vi xe hợp đồng gom khách lẻ.

 

Một chiếc xe dù hoạt động trên địa bàn TP. Nha Trang.
Một chiếc xe dù hoạt động trên địa bàn TP. Nha Trang.


Ngoài ra, nhiều xe dù còn giả dạng xe taxi để vận chuyển khách trái phép. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (biển kiểm soát đăng ký tại TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa) tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Những xe này được Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cấp phù hiệu xe hợp đồng cho Hợp tác xã Thái Bình có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, hợp tác xã này đã cấp khống hợp đồng vận chuyển khách cho lái xe (hợp đồng vận chuyển không có nội dung, thời gian ký hợp đồng nhưng đã được hợp tác xã ký tên và đóng dấu sẵn). Không chỉ vậy, họ còn cấp thẻ tập huấn nghiệp vụ vận tải hành khách cho lái xe không tham gia tập huấn; cấp thẻ không có ảnh của người được cấp.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều ô tô khách trên 30 chỗ ngồi mang biển kiểm soát của Campuchia, tham gia kinh doanh vận chuyển khách Trung Quốc hàng ngày nhưng không thực hiện đúng quy định (Hiệp định vận tải đường bộ giữa hai quốc gia và thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện hiệp định). Trong khi đó, lực lượng thanh tra giao thông không có thẩm quyền xử phạt người điều khiển xe cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài.


Sớm có những thay đổi phù hợp


Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hiện nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền dừng xe của lực lượng thanh tra sở còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thu thập chứng cứ, điều tra, làm rõ hành vi kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô không có giấy phép theo quy định, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước… để xử lý theo thẩm quyền, nhằm tạo sự công bằng trong việc kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Sở  cũng đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đề nghị chấn chỉnh những sai phạm của hợp tác xã cấp khống hợp đồng vận chuyển cho tài xế hoạt động tại Khánh Hòa này.

 

Từ tháng 7 đến hết tháng 10, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã tổ chức kiểm tra gần 500 lượt phương tiện vận chuyển khách, phát hiện gần 130 vụ “xe dù” vi phạm hành chính, phạt gần 490 triệu đồng.

Để loại bỏ hoạt động “xe dù”, sở kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thanh tra bộ chấn chỉnh về điều kiện kinh doanh vận tải, hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hình thức hợp đồng. Đồng thời, cần sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; Thông tư 63 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong đó, quy định rõ điều kiện hoạt động đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử; phân định rõ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (chủ thể kinh doanh) để thống nhất quản lý.


“Hiện nay, chế tài xử phạt đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử và quy định xử phạt đối với lái xe và chủ xe gắn biển số nước ngoài tham gia kinh doanh vận tải hành khách tại Việt Nam chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với xe ô tô khách (xe hợp đồng, xe du lịch) vận chuyển hành khách liên tỉnh nhưng hành trình vận tải, điểm đầu và điểm cuối của hành trình lặp đi lặp lại giống như xe vận chuyển khách theo tuyến cố định. Những bất cập trên cần sớm được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Dần nói.


THÀNH NAM