10:11, 30/11/2018

Khu tái định cư… chờ dân

Được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, hạ tầng đầy đủ, khang trang nhưng 5 năm qua, Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy (gọi tắt là Khu TĐC Ninh Thủy), xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa chỉ có khoảng 15 hộ gia đình chuyển đến sinh sống.

Được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, hạ tầng đầy đủ, khang trang nhưng 5 năm qua, Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy (gọi tắt là Khu TĐC Ninh Thủy), xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa chỉ có khoảng 15 hộ gia đình chuyển đến sinh sống.


An cư nhưng chưa lạc nghiệp


Quay lại Khu TĐC Ninh Thủy, đập vào mắt chúng tôi vẫn là hình ảnh những con đường trải nhựa thẳng tắp với hàng cây xanh rợp bóng. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng được lắp đặt hoàn chỉnh, các công viên, bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước… đã hoàn thành. Tuy nhiên, cả khu TĐC được đầu tư khang trang, bài bản chỉ lác đác vài chục ngôi nhà, nhiều khu đất đã được phân lô không có người ở, để hoang cho bò gặm cỏ. Ngôi trường 2 tầng với 12 phòng học đầy bụi bặm, bên trong các phòng học, hành lang, cầu thang đầy rác bẩn, có phòng học bị mất cửa sổ, cửa chính, các bóng điện thì rớt, bể…

 

Trường học được xây dựng khang trang nhưng đang bị bỏ hoang.

Trường học được xây dựng khang trang nhưng đang bị bỏ hoang.


Ông Trương Công Dũng - một hộ ở đây cho biết, gia đình ông chuyển về đây năm 2016, được bố trí lô đất ở 200m2 và lô đất sản xuất cùng diện tích. Trước kia, gia đình ông ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước bị giải tỏa trắng để thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Vân Phong. Khi về đây, do không đào được giếng, không có nước tưới nên mảnh đất được cấp để sản xuất đành chuyển sang nuôi gà. Thu nhập không đủ sống, dù lớn tuổi nhưng ông Dũng vẫn phải đi làm thuê. “Người dân thôn Ninh Yển chủ yếu sống bằng nghề đi biển hoặc làm nông. Khu này được đầu tư khang trang, rất đẹp nhưng về đây biết sống bằng gì? Vợ chồng tôi già rồi, ít con nên mới về đây chứ những hộ đông con họ phải bán chuyển đi nơi khác mới sống được” ông Dũng nói.


Cách đó vài nhà, bà Mai Thị Thọ cặm cụi đan các miếng đế giỏ để kịp giao hàng trong buổi chiều. Hỏi chuyện, bà Thọ kể: “Hồi ở Ninh Yển, tôi mở bán hàng tạp hóa mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn, cùng với thu nhập từ trồng hành, tỏi của mấy sào đất nên cuộc sống dư dả. Lên đây, có vài chục hộ, hàng quán mở ra chẳng có người mua. Đất sản xuất không làm được, chồng và các con đi làm thuê kiếm sống; còn tôi nhận các mặt hàng về đan kiếm 20.000 đồng/ngày. Nếu là dân công chức về đây ở rất tốt, chứ dân sống bằng nghề nông như chúng tôi khó khăn đủ bề”.

 

Cây xanh bao phủ các tuyến đường và công viên.

Cây xanh bao phủ các tuyến đường và công viên.


Không chỉ gặp khó do không có nước, đất sản xuất, ít người về ở nên chợ chưa có, trường học chưa hoạt động, vì thế học sinh đi học, người dân muốn ra chợ phải đi 4 - 5km. Chưa kể, nhà cửa thưa thớt, hệ thống đèn đường không được mở, dẫn tới tình hình an ninh trật tự phức tạp… Đây là những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà về ở khu TĐC.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, xã có 97 hộ bị thu hồi đất để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong, được bố trí ở tại Khu TĐC Ninh Thủy. Hầu hết các hộ đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 hộ chuyển đến Khu TĐC Ninh Thủy sinh sống, số còn lại chủ yếu đến khu vực Đá Bàn, Ninh An (thị xã Ninh Hòa) hoặc xã Vạn Hưng, Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) mua đất tiếp tục nghề trồng hành, tỏi. Một số khác đi thuê nhà để ở, thuê đất để canh tác…


Được biết, khi chuyển về khu TCĐ người dân được hưởng nhiều chính sách như: nhà có 7 nhân khẩu sẽ được cấp 2 lô TĐC; mỗi hộ còn được cấp thêm 200m2 đất nông nghiệp liền kề; các hộ nghèo được hỗ trợ một lần để thoát nghèo 4,32 triệu đồng/người/năm… Tuy đồng thuận nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng cho dự án nhưng do những nguyên nhân trên nên suốt 5 năm qua, khu TĐC vẫn ở tình trạng “vườn không nhà trống”, vì người dân chỉ có thể an cư nhưng không thể lạc nghiệp.


Xây dựng khu tái định canh cho người dân sản xuất


Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, người dân không về ở có nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính vẫn là chưa có đất sản xuất. Từ nhu cầu thực tế đó, tháng 10-2017, thị xã đã bố trí xây dựng và triển khai thi công Dự án Khu tái định canh Ninh Thọ (thôn Chánh Thanh, xã Ninh Thọ). Tổng diện tích của dự án hơn 20ha; trong đó đất canh tác hơn 15ha, còn lại là các công trình phụ trợ…

 

Một hộ nuôi gà kiếm thêm thu nhập.

Một hộ nuôi gà kiếm thêm thu nhập.

 

Khu TĐC Ninh Thủy được quy hoạch có diện tích sử dụng đất 106,59ha, tổng mức đầu tư gần 463 tỷ đồng, quy mô dân số hơn 5.350 người/1.283 hộ, được đầu tư theo tiêu chuẩn mới, mang tính liên hoàn. Khu này phục vụ TĐC cho các hộ bị giải tỏa để thực hiện các dự án trên địa bàn thị xã Ninh Hòa; trong đó có 2 dự án lớn là Trung tâm điện lực Vân Phong và Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Năm 2013, Khu TĐC Ninh Thủy hoàn thiện giai đoạn 1 với diện tích 34,9ha, phân hơn 400 lô, đáp ứng nhu cầu bố trí TĐC cho 16 hộ TĐC tại chỗ và gần 100 hộ thuộc Dự án Trung tâm điện lực Vân Phong.

Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thành. Theo đó, khu tái định canh có 141 thửa, được phân chia diện tích bình quân hơn 1.500m2/hộ. Do diện tích đất sản xuất của dự án không lớn nên thị xã tập trung ưu tiên cho những hộ bị giải tỏa trắng bởi các dự án về định cư tại khu TĐC Ninh Thủy và thực sự có nhu cầu về đất sản xuất. Phương thức quản lý đất khu tái định canh được áp dụng như quản lý đất công ích, với hình thức cho thuê tối đa không quá 5 năm, có thu tiền sử dụng đất. “Hiện nay, thị xã đã giao cho UBND xã Ninh Thọ chủ trì phối hợp với xã Ninh Phước, phường Ninh Thủy, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã, Ban Quản lý các công trình xây dựng thị xã tổ chức nhận bàn giao. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai phương án, sớm bàn giao đất cho các hộ canh tác để người dân yên tâm về ở tại Khu TĐC Ninh Thủy. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác, vận hành tốt và hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất”, ông Thạnh nói.


Được biết, trước mắt khu tái định canh được thực hiện theo hình thức liên kết các hộ tái định canh thông qua tổ hợp tác. Về lâu dài sẽ thành lập hợp tác xã để tiến tới liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất; đồng thời vận dụng nhiều chính sách mới giúp các hộ tái định canh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.


Hy vọng, sau khi khu tái định canh đi vào hoạt động, có đất sản xuất, người dân sẽ chuyển về Khu TĐC Ninh Thủy sinh sống. Giải pháp này sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng “vườn không nhà trống” tại Khu TĐC Ninh Thủy.


VÂN LY