05:11, 10/11/2018

Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh: Những câu hỏi từ hai phía

Điều sống còn để du lịch phát triển bền vững là phải hài hòa với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, tôn tạo làm cho thiên nhiên đẹp hơn để tăng thêm giá trị hoạt động du lịch. Nguyên tắc này ai cũng biết, nhưng không dễ thực hiện được...

Điều sống còn để du lịch phát triển bền vững là phải hài hòa với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, tôn tạo làm cho thiên nhiên đẹp hơn để tăng thêm giá trị hoạt động du lịch. Nguyên tắc này ai cũng biết, nhưng không dễ thực hiện được...


Khi triều lên, có chỗ không còn bãi tắm


Bãi biển Đại Lãnh đã được ông cha ta liệt vào những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua đã cho chạm hình phong cảnh biển Đại Lãnh lên Tuyên Đỉnh - 1 trong 9 đỉnh đồng được đặt trước sân Thế Miếu ở kinh thành Huế.

 

1

Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh chụp tháng 8-2018.


Vị thế đắc địa vậy nên việc thu hút dự án du lịch ở đây để phát huy lợi thế là chuyện đương nhiên, cần được khuyến khích. Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh ra đời, được cấp giấy phép đầu tư, cấp phép xây dựng từ tháng 8-2017. Dự án có tổng diện tích mặt đất hơn 15ha với tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án được triển khai xây dựng gồm hạng mục công trình: nhà hàng, nhà đón tiếp kết hợp nhà nghỉ, một số villa, bungalow và bar bờ biển.


Không hiểu các cơ quan tham mưu tính toán như thế nào, khi cho phép dự án triển khai ngay trên mép nước, những người bình thường nhất cũng thấy việc xây dựng thật chướng mắt vì khi nước lên, dãy biệt thự đang xây dựng giống như dãy nhà chồ ngay trên biển. Khi dư luận bức xúc phản đối, đầu tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong và đoàn công tác liên ngành gồm đại diện các sở Tài nguyên Môi trường, Xây dựng và UBND huyện Vạn Ninh đã kiểm tra hiện trạng công trình.

 

Nhà hàng Bốn mùa trước khi cải tạo.

Nhà hàng Bốn mùa trước khi cải tạo.


Qua kiểm tra đoàn nhận thấy có một số sai sót: vị trí nhà hàng xây dựng không đúng theo hồ sơ được cấp phép, bờ kè xếp đá và hồ bơi không có trong nội dung giấy phép xây dựng. Các nội dung xây dựng sai phép này đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền là 40 triệu đồng. Nhưng kết luận quan trọng nhất của đoàn liên ngành là “Dự án không lấn biển, ranh giới và diện tích trên hồ sơ và thực tế là phù hợp”.


Đoàn cũng đề xuất với UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án liên hệ cơ quan Khí tượng thủy văn để căn cứ số liệu thủy văn khu vực, tiến hành đo đạc, xác định mép nước cao nhất và thấp nhất để đề xuất điều chỉnh quy hoạch.


Trách nhiệm của cả 2 phía


Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng chúng tôi vẫn muốn quay trở lại một trường hợp xây dựng đúng quy định trên bờ biển, nhưng bị dư luận phản đối quyết liệt, đó là Nhà hàng - cà phê Bốn Mùa trên đường Trần Phú, Nha Trang.


Dự án từ khi được lập, xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh nội dung xây dựng… tất cả đều đúng quy định, được các cơ quan tham mưu nghiên cứu, trình UBND tỉnh quyết định. Chỉ có điều khi hoàn thành, đưa vào kinh doanh thì khối nhà lừng lững dài hơn 70m này hệt như cái hộp bê tông khổng lồ, chắn tầm nhìn biển, ai nhìn cũng thấy chướng mắt, bị dư luận phản ứng quyết liệt. Trước sự phản ứng của dư luận, đầu năm 2015 UBND tỉnh phải thuyết phục nhà đầu tư điều chỉnh lại kiến trúc. Hội Kiến trúc sư tỉnh đứng ra tổ chức thi ý tưởng cải tạo, điều chỉnh kiến trúc trên mặt đất của công trình và nhà hàng mới có hình dáng như bây giờ.


Việc làm này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín mà còn gây thiệt hại không nhỏ về tài chính cho chủ đầu tư, bởi không chỉ tốn tiền xây dựng mới mà còn bỏ ra khoản kinh phí để cải tạo, xây dựng lại.


Trở lại với dự án Năm Sao Đại Lãnh. Các cơ quan chức năng nghĩ gì khi tham mưu cho phép dự án triển khai mà không tính đến sự biến động lên xuống của thủy triều. Để đến khi dự án tiến hành xây dựng, qua kiểm tra mới nhận định: “Đoàn kiểm tra nhận định do bãi tắm có độ dốc thấp nên khi thủy triều lên thì diện tích bãi tắm bị thu hẹp đáng kể (có chỗ không tồn tại bãi tắm ngoài ranh dự án) và ngược lại, khi thủy triều xuống thì bãi tắm được mở rộng”.


  * * *


Thế giới đang tập trung ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nên Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này rất quyết liệt và Khánh Hòa là tỉnh ven biển nên từ năm 2013 đã có những việc làm hết sức cụ thể.


Mới đây nhất, ngày 29-6, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1872 QĐ-UB ban hành Kế hoạch kiểm soát, bảo vệ tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tác động đến phát triển du lịch Khánh Hòa. Trong đó mục tiêu đến 2020 ghi rất rõ là “Tài nguyên du lịch từng bước được điều tra, đánh giá, quản lý, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, khai thác, sử dụng hợp lý theo quy hoạch được phê duyệt, đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”.


Một bãi tắm đẹp nổi tiếng thế, tiếc thay công trình lại nằm bên mép nước, bỏ qua lợi thế bãi biển. Một khu du lịch xây dựng ngay trên mép nước, khi triều lên có chỗ không còn bãi tắm thì liệu có phải là sự chọn lựa khôn ngoan của nhà đầu tư? Phải chăng biển Đại Lãnh là một nơi không chịu tác động của tình trạng nước biển dâng trong tương lai?


Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu ở đâu khi đã tham mưu cho phép dự án được tiến hành, đến giờ lại đề xuất với UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư liên hệ cơ quan Khí tượng thủy văn nắm lại số liệu thủy văn khu vực để tự đề xuất điều chỉnh quy hoạch?


Nhóm PV