09:10, 07/10/2018

46 năm và nước mắt của một cựu binh Mỹ

Sự hối hận cùng với lòng kính phục tài năng của một phi công Việt Nam đã khiến lương tâm ông Duke Cunningham - phi công Mỹ day dứt trong suốt 46 năm kể từ trận chiến lịch sử ngày 10-5-1972. Để rồi chiều 6-10, ông đã tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ninh Hòa và rơi những giọt nước mắt hối hận trước mộ người phi công trẻ - đối thủ của ông năm nào.

Sự hối hận cùng với lòng kính phục tài năng của một phi công Việt Nam đã khiến lương tâm ông Duke Cunningham - phi công Mỹ day dứt trong suốt 46 năm kể từ trận chiến lịch sử ngày 10-5-1972. Để rồi chiều 6-10, ông đã tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ninh Hòa và rơi những giọt nước mắt hối hận trước mộ người phi công trẻ - đối thủ của ông năm nào.


Tưởng là một đại tá lão luyện bay


Trong trận chiến lịch sử ngày đó, sau 3 phút không chiến, chiếc Mig 17 do Thiếu úy Trà Văn Kiếm điều khiển đã rơi xuống một cánh đồng ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương). Đối thủ của liệt sĩ Kiếm chính là Cunningham - phi công chiến đấu lão luyện của Mỹ đang điều khiển chiếc F4 hiện đại cũng bậc nhất thời đó. Trở về sau trận chiến, tuy là người chiến thắng nhưng trong tâm trí ông Cunningham luôn ám ảnh, bởi Thiếu úy Kiếm là đối thủ giỏi nhất mà ông từng gặp.

 

Ông Cunningham quỳ bên mộ liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Ông Cunningham quỳ bên mộ liệt sĩ Trà Văn Kiếm.


Trong chuyến xe chở ông Cunningham từ Nha Trang đến thị xã Ninh Hòa, ông Nguyễn Nam Liên - Tổng Giám đốc, Hiệu trưởng Trường phi công Bay Việt tâm sự: Cuộc chiến tranh đã qua lâu, nhưng đối với các cựu chiến binh thì những ký ức vẫn còn sống mãi. Ngày 10-2-1972, Mỹ mở đầu trận chiến tranh phá hoại lần 2 tại Việt Nam với những trận chiến ác liệt, căng thẳng. Ngày 10-5-1972 là thời điểm không chiến căng nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh không quân Việt Nam. Ngày đó, có nhiều trận không chiến, nhưng có một cuộc không chiến nổi tiếng nhất trong chiến tranh không quân tại Việt Nam là trận đánh giữa Cunningham và Thiếu úy Trà Văn Kiếm. Cunningham là một đặc nhiệm không quân được huấn luyện chuyên để bắn hạ máy bay tại chiến tranh Việt Nam, còn Trà Văn Kiếm là một thiếu úy bay lần đầu tiên. Trận đánh lần đầu và cũng là lần cuối của thiếu úy trẻ ấy đã khiến một phi công giỏi bậc nhất nước Mỹ phải kính nể trong gần 50 năm qua. Năm ngoái, theo lời mời từ phía Mỹ, đoàn cựu chiến binh không quân Việt Nam và Mỹ đã gặp nhau ở một buổi tọa đàm có tên “Từ không chiến đến hòa giải”. Khi gặp Cunningham, ông Liên đã nhận ra ngay bởi trong giới phi công chiến đấu thì đây là một trong những người giỏi nhất thế giới. Qua nói chuyện, Cunningham nói năm 1972 có bắn hạ một phi công rất giỏi của Việt Nam. Nếu có gặp người nhà của phi công này thì cho ông gửi lời xin lỗi vì không cố ý bắn chết anh ấy; đồng thời nói với họ là gia đình có quyền tự hào bởi đó là người phi công giỏi nhất, anh dũng nhất mà ông từng gặp.


Ông Liên nhận lời và đem câu chuyện này chia sẻ lên facebook thì Đại tá Phạm Văn Đông (nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Trường Sĩ quan Không quân) đã nhắn cho ông rằng, chính Đại tá Đông cùng một số cán bộ của Trường Sĩ quan Không quân đã đưa hài cốt liệt sĩ Kiếm từ huyện Thanh Hà về thị xã Ninh Hòa vào năm 2006. Sau đó, ông Liên đã về Ninh Hòa thăm mộ liệt sĩ Kiếm, đồng thời báo cho ông Cunningham biết lời hứa đã được thực hiện. Dường như vẫn chưa cảm thấy yên lòng, trong chuyến tham dự cuộc gặp gỡ “Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác” vừa diễn ra tại Hà Nội, người cựu binh Mỹ lại bày tỏ với ông Liên rằng muốn đến trước mộ liệt sĩ Kiếm để xin được tha thứ và nói những lời kính phục.


“Khi nói chuyện với Cunningham, ông ấy cho rằng, người bị bắn hạ là một đại tá lão luyện bay hoặc một đặc nhiệm phi công mà Liên Xô cử qua hỗ trợ Việt Nam. Khi tôi tiết lộ đó là một thiếu úy lần đầu tiên bay chiến đấu, ông hết sức kinh ngạc. Vậy mà 46 năm qua ở đất Mỹ, người ta thêu dệt bao nhiêu câu chuyện huyền thoại về “vị đại tá” này”, ông Liên cho biết. Trong khi đó, ông Cunningham nói: “Tôi từng chiến đấu với nhiều phi công Việt Nam lái Mig, nhưng chưa gặp đối thủ nào xuất sắc và kiên cường như Thiếu úy Kiếm. Thú thật trong trận chiến đó, tôi có 2 lần rơi vào thế bị động và suýt thua. Tôi đã phải vận dụng hết kinh nghiệm và món nghề được đào tạo mới giành được chiến thắng”.


Giọt nước mắt và những cái ôm siết chặt


Khó khăn nhấc từng bước vào Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ninh Hòa bởi khớp gối đã bị thoái hóa phải thay bằng khớp kim loại, nhưng đứng trước mộ liệt sĩ Trà Văn Kiếm, ông Cunningham quỳ xuống lặng người. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người cựu binh già. “Kiếm, tôi biết đây sẽ là ngày khó khăn nhất trong đời mà tôi đã nung nấu, chờ đợi suốt 46 năm qua. Tôi biết tôi sẽ phải đến đây vào một ngày nào đó, bất cứ bằng cách nào đó, kể cả phải đi bộ vượt trùng dương...”, vị cựu binh già thì thầm bên ngôi mộ. Trên vòng hoa đỏ rực mà ông mang đến có ghi rõ những dòng chữ bằng tiếng Anh: “Đây là nơi an nghỉ của một chiến binh lão luyện đáng kính trọng, người đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc và gia đình. Anh được tôn vinh bởi chính cựu thù cùng dân tộc của anh ta”.

 

Ông Cunningham chụp hình chung với người thân liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Ông Cunningham chụp hình chung với người thân liệt sĩ Trà Văn Kiếm.


Về thôn Lạc Bình, xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa), ông Cunningham lại lặng người bên bàn thờ của liệt sĩ Trà Văn Kiếm, rồi liên tục nói “Forgiveness” (xin được tha thứ)… Những người thân là em, cháu của liệt sĩ Trà Văn Kiếm đón tiếp ông Cunningham với tình cảm chân thành, độ lượng. Sau khi thắp nhang, họ ngồi nói chuyện với nhau cởi mở và thoải mái dưới mái nhà đơn sơ nhưng rộng rãi. Ông Trần Hữu Kiên (em cùng mẹ khác cha với liệt sĩ Kiếm, người chịu trách nhiệm thờ cúng liệt sĩ) cho rằng: “Chiến tranh đã qua quá lâu và không có bên nào là không có đau thương. Trong cuộc chiến có người mất người còn, anh Kiếm là người không may mắn. Nhưng nay, họ đã lặn lội từ bên kia bán cầu để thắp nhang cho anh Kiếm chứng tỏ họ rất thành tâm, thật sự hối lỗi”.


Ngồi giữa những người thân của liệt sĩ Kiếm, ông Cunningham tâm sự: “Giá như cả hai chúng tôi đều sống sót, để bây giờ tôi và anh Kiếm ngồi với nhau như những người bạn, uống với nhau cốc bia và ôn lại chuyện cũ. Tôi vẫn thường làm như vậy với những đồng đội của tôi bên Mỹ”.


Chia tay gia đình liệt sĩ Trà Văn Kiếm, những người thân lần lượt dành cho ông Cunningham những cái bắt tay, những cái ôm siết chặt. Đó là phần thưởng mà họ dành cho người cựu binh Mỹ đã chờ đợi gần 50 năm để vượt quãng đường xa xôi đến bên mộ đối thủ nói lời xin tha thứ. Nhìn những hình ảnh ấy, không ai còn nghĩ đến hận thù, chỉ còn lại tình cảm của những người bạn.


VĂN KỲ



 



Liệt sĩ Trà Văn Kiếm sinh năm 1947, hy sinh năm 1972, thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân. Cha của ông là liệt sĩ Trà Ngọc Thịnh, anh trai là liệt sĩ Trà Ngọc Ấn, mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mai.

__________________________________________


Đại tá Phạm Văn Đông (nguyên Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân): Dùng Mig 17 để chiến đấu với F4 thì vô cùng bất lợi bởi F4 hiện đại nhất thời điểm đó với tính năng rất cơ động, còn Mig 17 sản xuất từ những năm 40 với nhiều hạn chế. Mig 17 có thể không chiến với F4 trong vòng 3 phút là trường hợp hiếm trong lịch sử không chiến của thế giới, bởi thường trận chiến được giải quyết trong 30 giây đến 1 phút.