Quá trình thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc.
Quá trình thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc.
Mới thu thập được 5%
Ngày 28-7-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2017 - 2020 cấp tỉnh (BCĐ 896, Công an tỉnh Thường trực). Sau khi tiếp nhận 1.333.848 phiếu thu thập thông tin dân cư từ Bộ Công an, ngày 16-7-2018, các lực lượng chính thức phát phiếu đến người dân. Sau 1 tháng triển khai, toàn tỉnh mới thu thập được 66.262 phiếu, đạt khoảng 5% so với tổng dân cư của tỉnh. Trong khi đó, công an cấp xã cần hoàn thành hướng dẫn kê khai, kiểm tra, đối chiếu, xác thực thông tin, thu và chuyển phiếu lên công an cấp huyện trước ngày 31-12 để chuyển cấp tỉnh và làm báo cáo; những trường hợp chưa đủ thông tin sẽ thực hiện tiếp đến hết quý I/2019. Ngày 1-1-2020, hoàn thành CSDL quốc gia về dân cư.
Hiện nay, việc thu thập thông tin về dân cư được thực hiện qua 2 hình thức: phát phiếu đến hộ gia đình và phát phiếu tập trung, nhưng chủ yếu phát tận nhà. Tuy nhiên, số lượng phiếu rất lớn trong khi số cán bộ làm nhiệm vụ ít, nội dung kê khai tương đối phức tạp, cần được hướng dẫn; nhiều người già, không biết chữ cần cán bộ trực tiếp hỏi, kê khai hộ. Hơn thế, cùng thời điểm thu thập dữ liệu về dân cư, trên địa bàn còn triển khai điều tra thu thập, cập nhật thông tin cung cầu lao động năm 2018…
Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, nhiều trường hợp có hộ khẩu tại địa phương nhưng thực tế không có mặt để phát phiếu. Một số trường hợp đã mất giấy khai sinh, chỉ có thông tin ngày tháng năm sinh trong sổ hộ khẩu. Tổ công tác hướng dẫn đăng ký, bổ sung hộ tịch để khai bổ sung vào phiếu nhưng người dân không đến UBND cấp xã để đăng ký. Một số xã phát sinh số nhân khẩu đăng ký thường trú (do số trẻ mới sinh đăng ký thường trú) nên bị thiếu số phiếu.
Nhiều phiếu khai chưa đầy đủ
Ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, phiếu thu thập thông tin dân cư có 17 mục, nhưng nhiều phiếu hiện vẫn để trống một số mục. Đơn cử, ở mục 3 (nhóm máu), nhiều người không rõ nhóm máu của mình. Ở mục 4 (giới tính), có người thay đổi giới tính nhưng chưa đăng ký lại thay đổi hộ tịch theo quy định. Mục 6, 7 yêu cầu điền nơi đăng ký khai sinh, quê quán đủ 3 cấp xã, huyện, tỉnh, nhưng trên giấy khai sinh của một số người dân, mục này ghi theo địa lý hành chính trước đây, nên họ không biết khai theo giấy khai sinh hay theo địa danh hiện nay. Có người tuy nhớ nhưng không còn các giấy tờ, tài liệu (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy kết hôn…) để chứng minh tính xác thực của những thông tin khai báo, nên khó đối chiếu, xác thực. Đại diện Công an huyện Khánh Sơn thông tin, trên địa bàn huyện, riêng mục khai ngày tháng năm sinh, có nơi phần lớn người dân chỉ nhớ năm sinh.
CSDL quốc gia về dân cư tập hợp thông tin cơ bản nhất của công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, quản lý, lưu trữ bằng hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân. Từ đó, mỗi người được cấp một mã số định danh thay thế các giấy tờ liên quan tới nhân thân. |
Bà Trần Mai Thị Kim Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nêu, mục 5 yêu cầu thông tin về tình trạng hôn nhân mà giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là cơ sở, nhưng nhiều trường hợp trên 60 tuổi hoặc đồng bào dân tộc thiểu số không có hoặc không còn giấy này. Ngoài ra, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không làm giấy khai sinh, cũng không nhớ chính xác tên cha mẹ, số chứng minh nhân dân, ngày tháng sinh, quê quán. Trước năm 2005, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nữ chỉ có chữ Thị kèm tên, như: Thị Sen, Thị Minh…, nhưng kê khai, scan gửi về máy chủ không chấp nhận. Việc đăng ký lại khai sinh cũng tạo áp lực đáng kể cho cán bộ hộ tịch. Đại diện Công an huyện Vạn Ninh thông tin, có xã, ngày cao điểm tiếp nhận hàng trăm hồ sơ xin đăng ký lại khai sinh.
Vấn đề kinh phí cũng khó khăn. Phiếu thu thập thông tin dân cư do Bộ Công an in màu, phát hành thống nhất trong cả nước. Do đó, để đảm bảo thông tin chính xác, không sửa chữa bởi số phiếu ấn định theo số nhân khẩu được báo cáo, các đơn vị phải photocopy phiếu để phát, kê khai rồi đối chiếu, nếu đối sách phát hiện sai lệch thì yêu cầu công dân chỉnh sửa, bổ sung, sau đó mới khai lại vào bản chính. Việc mua văn phòng phẩm, hỗ trợ thù lao cho cán bộ làm công tác này cần kinh phí đáng kể, nhiều địa phương không cân đối được nguồn ngân sách để hỗ trợ. Thực tế như ở xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh), nắm bắt đặc thù người dân đi rẫy cả ngày, xã đã linh hoạt cho tổ công tác đi phát phiếu vào buổi tối, nhưng lại không có kinh phí hỗ trợ, động viên người thực hiện…
Tại cuộc họp BCĐ 896 mới đây, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 896 chỉ đạo, các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo bí thư cấp xã phối hợp công an triển khai linh hoạt theo đặc thù địa bàn, chịu trách nhiệm về tiến độ. Đoàn thanh niên các xã hỗ trợ thực hiện. Tư pháp cấp huyện hướng dẫn cấp xã thực hiện thủ tục cấp lại giấy khai sinh theo quy định. Công an tỉnh kiến nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn bố trí ngân sách hỗ trợ thực hiện Đề án 896. Các địa phương thu thập thông tin đạt 70% vào cuối tháng 12 và hoàn thành chậm nhất tháng 6-2019.
NGUYỄN VŨ