Liên tục những năm qua, tình trạng ly hôn trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có chiều hướng gia tăng; chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 21 vụ ly hôn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Liên tục những năm qua, tình trạng ly hôn trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có chiều hướng gia tăng; chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 21 vụ ly hôn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình, bà Cao T.T. (xã Thành Sơn) cho hay: “Biết vợ chồng ly hôn, con cái sẽ chịu thiệt thòi hơn cả nhưng chồng của tôi không lo chí thú làm ăn, suốt ngày lêu lổng, đua đòi, rượu chè. Đã vậy, mỗi lần uống rượu say anh ta lại về đánh vợ, chửi con. Không chịu nổi cảnh này, tôi buộc phải xin tòa cho mình được ly hôn để đi làm, kiếm tiền nuôi con”. Không riêng gì bà T., có nhiều trường hợp ly hôn tại Khánh Sơn cũng do nguyên nhân tương tự.
Qua công tác kiểm sát các vụ án ly hôn tại địa phương, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn nhận thấy, liên tục trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện, tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2016, toàn huyện có khoảng 30 vụ ly hôn thì đến năm 2017 con số này tăng lên 33 vụ, từ đầu năm đến nay là 21 vụ. Trong tổng số 84 vụ ly hôn từ năm 2016 đến nay, có 72 vụ người vợ yêu cầu ly hôn; có 68 vụ các cặp vợ chồng có tuổi đời dưới 35 tuổi, đáng chú ý có nhiều cặp ly hôn thậm chí còn chưa tròn 20 tuổi; có 68 cặp ly hôn có con chưa thành niên.
Ông Nguyễn Văn Phương - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn nhận định: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng. Chủ yếu là các bên vi phạm các nghĩa vụ trong đời sống hôn nhân. Điều này xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ nghĩa vụ của vợ, của chồng, thiếu sự chia sẻ, cảm thông lẫn nhau. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến số vụ người vợ đề đơn đề nghị giải quyết ly hôn chiếm tỷ lệ cao là do tình trạng bạo lực gia đình khi người chồng sa vào rượu chè, cờ bạc, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái. Ngoài ra, việc các cặp vợ chồng lấy nhau trong khi tuổi đời còn trẻ, thiếu kỹ năng sống; trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại sinh con sớm nên dễ phát sinh mâu thuẫn gia đình…”.
Cũng theo chia sẻ của ông Phương, tình trạng ly hôn không chỉ để lại “vết thương” trong mỗi tế bào của xã hội. Ly hôn còn để lại hậu quả nặng nề đối với sự phát triển của trẻ em. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên không có sự nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc của cha mẹ dễ khiến cho các em có những suy nghĩ tiêu cực, nông nổi, tự ti về hoàn cảnh bản thân, gây ra những tổn thương về mặt tâm lý khó có thể bồi đắp được. Việc ly hôn của bố mẹ có thể khiến các em hình thành nhân cách lệch lạc, dễ bị sa ngã vào con đường vi phạm pháp luật, tội phạm. Vì vậy, cần có biện pháp để hạn chế tình trạng này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, trong thời gian tới, để hạn chế tình trạng ly hôn, đảm bảo nền tảng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em, địa phương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với các đoàn thể tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới…, nhất là đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi có tỷ lệ ly hôn cao, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của gia đình, gắn kết các thành viên trong gia đình; tăng cường tuyên truyền để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu; ngăn chặn sự xâm nhập các tệ nạn xã hội vào gia đình. Địa phương còn tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm qua đó ổn định đời sống của các gia đình. Ngoài ra, còn tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở để các cặp vợ chồng hóa giải mâu thuẫn, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
BÍCH LA - GIANG ĐÌNH