Từ đầu năm đến nay, nhiều nhân viên quản lý - bảo vệ rừng của các chủ rừng nhà nước đồng loạt xin nghỉ việc, khiến cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vốn đã mỏng nay càng mỏng hơn.
Từ đầu năm đến nay, nhiều nhân viên quản lý - bảo vệ rừng của các chủ rừng nhà nước đồng loạt xin nghỉ việc, khiến cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vốn đã mỏng nay càng mỏng hơn.
Nhiều người xin nghỉ việc
Mới đây, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã tiếp nhận và giải quyết đơn xin nghỉ việc của 5 nhân viên quản lý - bảo vệ rừng trong công ty. Trong 5 người này, có người đang giữ chức vụ trạm trưởng, có người hơn 10 năm trong nghề và những người mới vào nghề được một thời gian ngắn. “Nhân lực quản lý - bảo vệ rừng của công ty vốn đã thiếu, hiện nay càng thiếu hơn. Hiện nay, toàn bộ nhân viên của công ty chỉ còn 35 người, đang bảo vệ 41.406ha rừng, đất rừng được giao, trong đó có hơn 27.4050ha rừng phòng hộ. Chúng tôi đang tuyển thêm người nhưng rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa chia sẻ.
Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh cũng cho biết: “Ban vừa giải quyết đơn xin nghỉ việc của 2 nhân viên, đều là những người có thâm niên trong nghề. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhân viên, xu hướng xin nghỉ việc đang tăng. Cứ sau 1 vụ nhân viên quản lý - bảo vệ rừng bị lâm tặc tấn công thì tư tưởng anh em lại có sự lung lay”.
Được biết, tại các đơn vị chủ rừng nhà nước khác, cũng đã có không ít trường hợp nộp đơn xin điều chuyển công tác từ các trạm “nóng” về tình trạng phá rừng đến các trạm ít “nóng” hơn.
Hiện nay, các chủ rừng nhà nước, gồm 2 công ty lâm sản, 5 ban quản lý đang có khoảng 140 người chuyên trách bảo vệ rừng. Những năm qua, lực lượng quản lý - bảo vệ rừng của các chủ rừng nhà nước luôn có sự biến động theo hướng giảm, điều này khiến cho công tác quản lý - bảo vệ rừng ngày càng khó khăn.
Đâu là nguyên nhân?
Tiếp xúc với một số người xin nghỉ việc, được biết, hiện nay, các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng. Trong khi đó, trang bị về công cụ hỗ trợ cho lực lượng này rất hạn chế nên anh em cũng e ngại khi theo nghề. Đó là chưa kể, công việc thì vất vả, phải thường xuyên bám rừng, núi, có khi cả tháng trời không ghé thăm nhà, mà thu nhập lại thấp (khoảng 3 - 7 triệu đồng/tháng), ưu đãi nghề, thâm niên cũng không có…
Một vấn đề khác khiến nhiều người nghỉ việc là do áp lực công việc rất lớn; vấp phải sự chống đối quyết liệt của các đối tượng phá rừng, thậm chí nhiều trường hợp bị lâm tặc đánh phải nhập viện. Những vấn đề này nếu không giải quyết thì việc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ: “Mới đây, lâm tặc đến tận nhà 1 nhân viên của công ty, đe dọa, làm nhục người thân để ép buộc nhân viên này nghỉ việc. Trước áp lực của các đối tượng, gia đình của nhân viên này kiên quyết không cho anh theo nghề, thế là chúng tôi lại mất người có kinh nghiệm”.
Qua làm việc với Ban Chỉ đạo Phát triển rừng tỉnh mới đây, nhiều chủ rừng nhà nước, lãnh đạo UBND các địa phương đều chung kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét có chế độ đãi ngộ riêng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, từ đó thu hút nhân lực cho các đơn vị. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, tấn công nhân viên quản lý - bảo vệ rừng để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Luật Lâm nghiệp năm 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; hiện nay, 4 Nghị định, 7 Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp đang được khẩn trương xây dựng. Trong đó có 1 nghị định riêng về lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong nghị định này, có nhiều điểm mới liên quan đến lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như: địa vị pháp lý được nâng cao, được định danh là viên chức. Chế độ đãi ngộ cũng được nâng cao, tương đương với lực lượng kiểm lâm, cụ thể: được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ; ngoài các chế độ ưu đãi về thu nhập, bảo hiểm, lực lượng này khi trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nếu bị thương hoặc hy sinh cũng được công nhận chế độ, chính sách như thương binh, liệt sĩ…”.
BÍCH LA