11:06, 06/06/2018

Chất lượng nước biển ven bờ vẫn nằm trong giới hạn cho phép

Nhân tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới, bà Lê Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:

Nhân tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới, bà Lê Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết:


- Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8-6 hàng năm), còn ngày Đại dương thế giới được tổ chức vào ngày 8-6 hàng năm. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ TN-MT nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của TN-MT biển, đảo; khơi dậy lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực to lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ TN-MT biển, đảo bền vững.


Năm nay, ngày Đại dương thế giới có chủ đề  “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển” nhằm kêu gọi mọi người có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh. Đồng thời, hướng tới việc khuyến khích các giải pháp cho vấn đề chống ô nhiễm rác thải nhựa và ngăn chặn rác thải nhựa trên biển.


- Xin bà cho biết tình hình ô nhiễm môi trường biển, đảo trên địa bàn tỉnh hiện nay?


- Khánh Hòa có bờ biển dài 385km, với khoảng 200 hòn đảo lớn, nhỏ và các đảo san hô tại quần đảo Trường Sa. Đây là điều kiện thuận lợi cho Khánh Hòa phát triển các ngành kinh tế biển như: cảng biển, du lịch, thủy sản, phát triển đô thị ven biển… Các ngành kinh tế biển phát triển đã đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân các địa phương ven biển, tăng nguồn thu ngân sách nhưng cũng tạo ra áp lực cho môi trường biển, đảo. Nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn lơ lửng từ các hoạt động sản xuất và đời sống đã làm suy giảm chất lượng nước biển ven bờ, suy giảm diện tích hệ sinh thái biển như: cỏ biển, rừng ngập mặn, san hô…


Những năm gần đây, công tác quản lý môi trường ở Khánh Hòa đã đi vào nề nếp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cảng biển, nhà máy ở khu vực vùng bờ đã chấp hành khá tốt các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Công tác thanh kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm được tiến hành định kỳ giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong việc thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường vùng ven bờ. Công tác thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải rắn tại một số thành phố như: Cam Ranh, Nha Trang… khá hiệu quả. Một số dự án cải thiện vệ sinh môi trường tại Nha Trang như: hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, nhà máy xử lý nước thải phía nam, bãi chôn lấp hợp vệ sinh và hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Lương Hòa và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại Cam Ranh đã góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm các vùng nước biển ven bờ.


Các kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ những năm gần đây cho thấy, phần lớn các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép tại QCVN 10:2015/BTNMT (Quy chuẩn chất lượng nước biển ven bờ), ngoại trừ một số thông số như: dầu mỡ, khoáng, coliform...


- Theo bà, tỉnh cần có những giải pháp gì để chống ô nhiễm, bảo vệ TN-MT biển, đảo?


- Nhằm đảm bảo chất lượng môi trường nước biển ven bờ và giảm thiểu các nguy cơ suy giảm chất lượng môi trường nước biển, suy giảm diện tích các hệ sinh thái biển, trong những năm tới, tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường. Đó là tăng cường chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển, công tác kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở, doanh nghiệp, công tác thanh kiểm tra… Bên cạnh đó, tiếp tục quan trắc tổng hợp môi trường nước biển ven bờ và các hệ sinh thái biển để có biện pháp quản lý kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng, các cấp, ngành; khuyến khích các mô hình xã hội hóa trong việc phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái biển kết hợp phát triển kinh tế biển; áp dụng phương thức quản lý tổng hợp TN-MT biển vào cuộc sống…


- Xin cảm ơn bà!


P.LÂM (Thực hiện)