09:05, 14/05/2018

Ninh Hòa: Gian nan bảo vệ rừng giáp ranh

Diện tích rừng giáp ranh giữa thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh cũng như các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk khá lớn. Thời gian qua, tuy lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường truy quét nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh vẫn hết sức khó khăn.

Diện tích rừng giáp ranh giữa thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cũng như các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk khá lớn. Thời gian qua, tuy lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường truy quét nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh vẫn hết sức khó khăn.


Phá rừng khu vực giáp ranh


Vừa qua, các lực lượng thuộc Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, các đơn vị chủ rừng đã tiến hành kiểm tra, truy quét khu vực rừng thượng nguồn hồ thủy điện Ea KrôngRou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), giáp ranh với xã Ea Trang (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Đây là khu vực chồng lấn giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Qua kiểm tra, tại khu vực chồng lấn có 200 gốc cây nằm rải rác khắp 3 tiểu khu thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (Đắk Lắk) và 2 tiểu khu thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa bị cưa hạ, thân cây đã bị lấy đi. Số lượng gỗ lậu cất giấu trái phép tại khu vực lòng hồ thủy điện Ea KrôngRou bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, thu giữ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có thể đã khai thác tại khu vực chồng lấn này.

 

Phần lớn lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép bị phát hiện tại Ninh Hòa có nguồn gốc từ vùng rừng giáp ranh.

Phần lớn lâm sản khai thác, vận chuyển trái phép bị phát hiện tại Ninh Hòa có nguồn gốc từ vùng rừng giáp ranh.


Sau khi lực lượng chức năng truy quét ráo riết khu vực rừng thượng nguồn hồ thủy điện Ea KrôngRou thì khu vực thượng nguồn Bến Lễ (xã Ninh Tây) - khu vực giáp ranh giữa địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện M’Đrắk cũng có nguy cơ cao về nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Khu vực rừng giáp ranh giữa thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh, nhất là khu vực xã Ninh Tân cũng có nguy cơ cao về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.


Ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết: “Trong số 18 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn thị xã bị lực lượng chức năng phát hiện từ đầu năm đến nay, hầu hết đều xảy ra tại các địa bàn giáp ranh, chồng lấn hoặc có nguồn gốc lâm sản từ các địa bàn này. Hiện nay, Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng thị xã Ninh Hòa tập trung kiểm tra, truy quét nhằm không để phát sinh điểm nóng về phá rừng tại các địa bàn giáp ranh. Ngoài ra, lực lượng chức năng địa phương cũng sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương giáp ranh tổ chức tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng theo các kế hoạch đã được ký kết”.


Những tồn tại


Theo lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, khu vực giáp ranh, chồng lấn ở thượng nguồn thủy điện Ea KrôngRou, đặc biệt là các tiểu khu: 801, 798, 792 có địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông, suối; công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, khu vực giáp ranh, chồng lấn thường nằm ở nơi xa xôi, khó khăn về liên lạc nên khi có vụ việc xảy ra rất khó để thông tin, phối hợp xử lý giữa các bên. Theo ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa, khó khăn lớn nhất của đơn vị trong bảo vệ rừng giáp ranh là khu vực chồng lấn giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk ở khu vực rừng thượng nguồn hồ thủy điện Ea KrôngRou. Việc sớm phân định ranh giới sẽ giúp cho công tác quản lý dễ dàng hơn.   


Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa, các khu vực rừng giáp ranh là nơi tài nguyên rừng còn khá phong phú, đa dạng với nhiều loại động vật, thực vật có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng nên nạn săn bắt động vật rừng, khai thác gỗ, vận chuyển lâm sản trái phép ở những khu vực này thường xuyên xảy ra. Trong khi vùng giáp ranh thường là nơi xa xôi, việc tuần tra, truy quét gặp nhiều khó khăn; việc xử lý cũng không dễ dàng khi các đối tượng di chuyển qua lại giữa ranh giới các địa phương.


Được biết, quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh đã được ký kết. Tuy nhiên, công tác phối hợp vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ yếu truy quét vào mùa khô và ở những điểm nóng. Việc tiếp nhận thông tin và xử lý vụ việc theo quy chế chưa tốt… nên ở một số khu vực giáp ranh vẫn còn xảy ra tình trạng xâm hại rừng.


Để thực hiện tốt việc bảo vệ rừng giáp ranh, các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý các vụ vi phạm được phát hiện; tăng cường số lần tuần tra, truy quét; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin vùng rừng giáp ranh…


BÍCH LA