Thời gian này, để chủ động nước tưới cho vườn cây ăn trái, người dân tại các xã ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã ồ ạt thuê thợ khoan giếng.
Thời gian này, để chủ động nước tưới cho vườn cây ăn trái, người dân tại các xã ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã ồ ạt thuê thợ khoan giếng.
Những ngày này, ông Lê Hải - thợ khoan giếng tại thị trấn Cam Đức làm liên tục nhưng không hết việc. Chỉ tay vào phần đất đang khoan tới gần 80m nhưng chưa có nước, ông Hải cho biết, phải tới ít nhất 100m mới có nước. Nếu có nước, ông được nhận 50 triệu đồng, còn không có nước thì coi như lỗ nặng. Trong khi đó, khoan 1 cái giếng mất khoảng 15 ngày. Năm nay, mùa khô, nóng bắt đầu sớm hơn năm trước. Từ khoảng tháng 3, nhu cầu khoan giếng của các chủ vườn xoài bắt đầu nhiều, thợ khoan giếng cũng từ đó “sốt” theo, người thuê khoan nhiều nhưng làm không hết việc nên ông phải từ chối bớt.
Ghi nhận thực tế tại một số xã có nhiều vườn xoài, chúng tôi được biết, đa số người dân đều đã hoặc đang có dự định thuê người đến khoan giếng để đảm bảo nước tưới trong mùa hạn năm nay. Bà Trần Thị Nguyệt - chủ vườn xoài ở xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Mấy ngày nay, tôi cũng đang kiếm thợ để khoan giếng chứ thấy tình hình hạn hán này sợ quá, mà kiếm bữa giờ chưa ai nhận cả, phải đặt trước”.
Vừa khoan xong một giếng nước sâu 70m, ông Lê Diện, tổ dân phố Yên Hòa 2, thị trấn Cam Đức đã yên tâm hơn trong những tháng nắng hạn này. “Nước máy thì có, nhưng chỉ để dùng cho sinh hoạt. Đa phần ai trồng xoài cũng phải có 1 giếng nước khoan, bây giờ người ta đang khoan nhiều lắm”, ông Diện chia sẻ.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, đến thời điểm hiện nay, tình hình nước sinh hoạt và tưới cây trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo. Các công trình thủy lợi đang được vận hành đúng theo phương án cung cấp nước sản xuất phù hợp với lịch thời vụ. Các hồ chứa cung cấp đủ nước tưới phục vụ người dân sản xuất. “Tuy nhiên, một số người dân có vườn xoài vẫn khoan giếng dự trữ nước là do tâm lý chung. Mọi người muốn khoan để có nước dự phòng khi hạn hán như những năm trước, chứ nước tưới hiện nay vẫn đủ cung ứng phục vụ cho sản xuất trên địa bàn huyện”, ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm khẳng định.
Ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cho biết, năm nay, đơn vị chưa nắm thông tin về vấn đề này từ các xã, thị trấn. Những năm trước, tình trạng khoan giếng diễn ra, phòng có báo cáo về sở để kiểm tra, xử lý vì việc cấp phép khoan giếng thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Thực tế tại địa phương, chỉ mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền, hướng dẫn người dân. “Việc khoan giếng không được cấp phép, khảo sát kỹ sẽ ảnh hưởng đến sinh thái, mạch nước ngầm. Trách nhiệm kiểm tra, quản lý chính vẫn là ở cấp xã, thị trấn, nhưng thực tế, thời gian qua, công tác này vẫn chưa được xử lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có hướng phối hợp quản lý chặt chẽ hơn”, ông Chi nói.
V.THÀNH