12:12, 29/12/2017

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông

Thực hiện Đề án Y tế biển đảo năm 2017, Trung tâm Cấp cứu 115 và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tập huấn, truyền thông.

Thực hiện Đề án Y tế biển đảo năm 2017, Trung tâm Cấp cứu 115 và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tập huấn, truyền thông.


Tổ chức nhiều hoạt động


Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đã tổ chức 6 lớp tập huấn về kỹ năng cấp cứu cơ bản cho hơn 420 nhân viên y tế thuộc khu vực biển đảo, người lao động trên biển. Các học viên được học lý thuyết và thực hành cấp cứu các trường hợp ngừng tim - ngừng thở, garo cầm máu vết thương, cách băng bó vết thương, cố định xương gãy và vận chuyển nạn nhân đúng cách.

 

Sau khi tham gia tập huấn, anh Nguyễn Trọng Tín (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) cho biết: “Tôi thường theo các tàu đi đánh bắt hải sản. Trong quá trình đánh bắt, anh em trên tàu thỉnh thoảng gặp những trường hợp gây nên thương tích. Gặp sự cố, chúng tôi chỉ biết làm theo bản năng, hoặc để nguyên tình trạng như thế chở vào đất liền để các cơ sở y tế xử lý. Qua lớp tập huấn, tôi học hỏi được nhiều kiến thức và kỹ thuật đúng trong cấp cứu ban đầu. Những lớp tập huấn này, theo tôi nên mở thường xuyên hơn”.


Song song đó, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông; đã phối hợp với trung tâm y tế, xã, phường, TP. Cam Ranh; trung tâm y tế, phường Vĩnh Nguyên, xã Vĩnh Lương của TP. Nha Trang tổ chức nhiều buổi tập huấn y tế biển đảo cho 250 ngư dân, người lao động trên biển. Nội dung tập huấn tập trung kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tăng huyết áp, sơ cấp cứu, an toàn vệ sinh thực phẩm (phòng, chống ngộ độc cá nóc, ốc biển), chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dinh dưỡng, phòng, chống bệnh nghề nghiệp... Đồng thời, tổ chức sự kiện truyền thông sức khỏe sinh sản cho người dân trên các vùng biển, đảo ở huyện Vạn Ninh; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về y tế biển đảo. Đi cùng với đó, trung tâm còn sản xuất 12.000 tờ rơi, hơn 1.430 áp phích với nội dung phổ biến cách thức sơ cấp cứu, phòng, chống bệnh tăng huyết áp, bệnh tiêu chảy cấp; thực hiện và sang 186 đĩa CD với các thông điệp phòng, chống dịch, bệnh gửi cho 46 trạm y tế và xã, phường, thị trấn, một số bệnh viện để phát trên loa phát thanh tuyên truyền....


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, năm 2017, các hoạt động triển khai đề án y tế biển đảo gặp nhiều thuận lợi, nguồn tài chính được cấp kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ của trung tâm y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố; người lao động trên biển, ngư dân tham gia nhiệt tình, tích cực các lớp tập huấn, buổi truyền thông tạo sự thành công trong việc tiếp thu kiến thức và vận dụng vào thực tế.

 

Học viên tham gia tập huấn cấp cứu ban đầu tại TP. Cam Ranh.

Học viên tham gia tập huấn cấp cứu ban đầu tại TP. Cam Ranh.

 

Vẫn còn khó khăn


Do đặc thù công việc nên đối tượng tham gia lớp tập huấn chưa đảm bảo số lượng và thành phần. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế các xã khu vực biển đảo hầu hết ở trình độ y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh. Do đó, việc áp dụng các kỹ thuật trong cấp cứu, chỉ định sử dụng thuốc cấp cứu rất hạn chế. Thiết bị hỗ trợ hô hấp thiết yếu chưa được trang bị đầy đủ cho các trạm y tế ở vùng ven biển và biển đảo. Có 20% đến 35% cơ sở không có dụng cụ bóp bóng người lớn và bóp bóng trẻ em; 30% không có bình ô-xy; đặc biệt có dưới 10% cơ sở được trang bị bộ đèn đặt nội khí quản nhưng chưa bao giờ được sử dụng (nguyên nhân do không có bệnh nhân nặng; chưa được huấn luyện; không có thiết bị…); nẹp cố định cột sống cổ và cột sống thắt lưng ở một số trạm y tế chưa được trang bị.


Qua khảo sát có 50% số lượng học viên đã từng tham gia cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp cơ bản tại trạm y tế và tại hiện trường nhưng chưa bao giờ thực hiện kỹ thuật đặt nội khí quản cho bệnh nhân; chỉ có khoảng 10% số lượng học viên đã từng thực hiện kỹ thuật cố định cột sống cho bệnh nhân chấn thương cột sống; có 29% số phiếu khảo sát phản hồi việc chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên mà không có nhân viên y tế đi kèm. Đây là một trong những yếu tố không an toàn trong công tác chuyển viện...   


Để triển khai tốt hơn đề án y tế biển đảo trong năm 2018, lãnh đạo 2 đơn vị kiến nghị, Sở Y tế nên tăng cường lực lượng bác sĩ về tuyến xã; duy trì kế hoạch tập huấn cập nhật kiến thức và kỹ năng cấp cứu ban đầu cho tuyến cơ sở, cho người dân lao động trên biển định kỳ hàng năm; hướng dẫn cập nhật phác đồ xử trí cấp cứu của Bộ Y tế theo định kỳ cho nhân viên y tế vùng biển đảo qua nhiều kênh khác nhau như: tập huấn; cấp phát tài liệu, cẩm nang; hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu ban đầu tại trạm y tế và tại hiện trường...


T.Ly