10:12, 18/12/2017

Nhiều tồn tại cần giải quyết

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa, công tác bóc tách đất từ các nông, lâm trường giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất tồn tại nhiều vấn đề, diện tích đất bóc tách nhiều nhưng kết quả giao rất ít. 

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Khánh Hòa, công tác bóc tách đất từ các nông, lâm trường giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo thiếu đất sản xuất tồn tại nhiều vấn đề, diện tích đất bóc tách nhiều nhưng kết quả giao rất ít. Với thực tế trên, HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến đề nghị thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.


Bóc tách nhiều nhưng giao được ít


Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2003 đến năm 2016, tổng diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh hơn 10.208ha. Trong đó, huyện Khánh Vĩnh thu hồi hơn 5.868ha, huyện Khánh Sơn hơn 2.846ha, huyện Cam Lâm hơn 417ha, thị xã Ninh Hòa hơn 1.076ha. Tuy diện tích bóc tách nhiều nhưng tỷ lệ giao đất cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất đạt thấp (chỉ khoảng 20% tổng số đất được bóc tách). Cụ thể, huyện Khánh Vĩnh có 647 hộ được giao hơn 795ha, huyện Khánh Sơn có 397 hộ được giao hơn 992ha, huyện Cam Lâm có 128 hộ được giao gần 113ha, thị xã Ninh Hòa có 36 hộ được giao hơn 17,7ha. Hiện nay vẫn còn 828 hộ ĐBDTTS nghèo tại Khánh Vĩnh và Khánh Sơn thiếu đất sản xuất.

 

Việc bóc tách đất giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều tồn tại

Việc bóc tách đất giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều tồn tại


Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: “Giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, còn nhiều tồn tại dẫn đến tình trạng đất bóc tách nhiều nhưng đất giao cho các hộ ĐBDTTS ít. Một số diện tích bóc tách nằm ở khu vực đồi cao, xa nơi ở của người dân, không thuận lợi cho người dân sản xuất. Việc xây dựng phương án bóc tách đất của các địa phương chưa sát với thực tế, nhu cầu đất của người dân. Ngoài ra, qua giám sát, thực tế hoạt động tích tụ đất đai của các cá nhân, doanh nghiệp tại các địa phương vẫn diễn ra âm thầm; việc quản lý của địa phương còn lỏng lẻo nên xuất hiện tình trạng một số hộ ĐBDTTS được giao đất không tổ chức sản xuất mà cho người khác thuê hoặc sang nhượng nên hiệu quả của chính sách ít nhiều bị ảnh hưởng”.


Trong khi đó, theo lý giải của các địa phương, thực tế diện tích đất các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ bóc tách ra không phải là đất sạch, phần lớn đã bị các hộ lấn chiếm sử dụng, chủ rừng không thể thu hồi. Một số khu vực khi địa phương nhận bàn giao từ các chủ rừng thì đã có hộ ĐBDTTS khác sử dụng, không trả lại bởi người dân cho rằng, nguồn gốc đất là do người thân để lại từ trước. Ngoài ra, trong số diện tích đất bóc tách, có cả những diện tích đất ở, nhà ở của người dân… nên sau khi bóc tách tiến hành hợp thức hóa cho người dân. “Diện tích đất bóc tách nhiều nhưng diện tích đất sạch ít, nhiều diện tích là đất của các công ty lâm sản quản lý nhưng thực tế đã có hộ sản xuất, không thể giao cho hộ thiếu đất được. Đó là chưa kể đến nhiều diện tích đất manh mún, độ dốc cao, xa khu dân cư…”, ông Cao Cường - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh nói.


Những kiến nghị

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: UBND tỉnh cần tiếp thu các kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc giao đất cho hộ ĐBDTTS trong thời gian tới. Đối với các diện tích đất chồng lấn trong lâm phận của các chủ rừng nhưng thực tế người dân đã sản xuất ổn định từ nhiều năm thì tiến hành bóc tách để giao cho người dân sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, từ chủ trương bóc tách đất để giao cho hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, nhiều hộ đã có được tư liệu sản xuất, giải quyết được tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy của các hộ ĐBDTTS. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, các địa phương chưa đánh giá được hiệu quả cụ thể của chính sách này. Vì vậy, sau quá trình giám sát, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của chương trình, đặc biệt là công tác giảm nghèo, quản lý đất đai đối với các hộ được giao đất sản xuất.


Một vấn đề được Đoàn giám sát của HĐND tỉnh lưu ý là hiện nay vẫn còn 815 hộ ĐBDTTS tại Khánh Vĩnh và 13 hộ tại Khánh Sơn thiếu đất sản xuất, vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan giải quyết dứt điểm cho các hộ này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần rà soát lại để đảm bảo đúng đối tượng là ĐBDTTS nghèo, có nhu cầu và có đủ khả năng sản xuất; chỉ giao đất trong phần diện tích khoảng 80% diện tích đã bóc tách nhưng chưa giao từ những năm qua chứ không tiến hành bóc tách mới. Đối với phần diện tích đất bóc tách nhưng đã có hộ sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp thì nên xem xét, giải quyết việc hợp thức hóa cho người dân nhưng phải trên cơ sở quy định của Luật Đất đai.


Để tạo điều kiện cho các hộ được giao đất sử dụng đúng mục đích, giữ được đất để phát triển sản xuất, UBND tỉnh cần nghiêm cấm các hộ ĐBDTTS nghèo được giao đất chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trong thời hạn 10 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất.


BÍCH LA