Những năm qua, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp diễn.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp diễn. Để đẩy lùi tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, cần có những biện pháp hiệu quả hơn.
Vấn nạn dai dẳng
Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Khánh Sơn, năm 2016, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nhưng tình trạng tảo hôn có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, toàn huyện có 28 cặp, với 43 đối tượng tảo hôn (năm 2015 có 17 cặp, với 22 đối tượng tảo hôn); trong đó có 12 cặp tảo hôn cả vợ và chồng (24 đối tượng), 11 cặp có vợ tảo hôn (11 đối tượng), 5 cặp có chồng tảo hôn (5 đối tượng) và 3 đối tượng là nữ vị thành niên tảo hôn nhưng chưa rõ đối tượng nam. Đáng lưu ý các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… có số đối tượng tảo hôn tăng cao; trong số các đối tượng tảo hôn còn có cả con, em các gia đình cán bộ. 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện có 8 cặp tảo hôn, có 33 cặp có nguy cơ tảo hôn đã được ngăn chặn kịp thời.
Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại hậu quả nặng nề đối với các gia đình và xã hội; làm tăng nhanh số lượng và suy giảm chất lượng dân số. Đa số các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đều rơi vào hộ nghèo và cận nghèo nên đời sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Trẻ em sinh ra từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường ốm yếu, còi cọc. Tình trạng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái… Trong khi đó, tình trạng hôn nhân cận huyết còn làm suy thoái trầm trọng giống nòi.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Mấu Xuân Thủy - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện chia sẻ: “Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn thấp; trong khi đó điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều gia đình không thể lo cho con cái ăn học nên dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học, kết hôn sớm; trẻ em bước vào độ tuổi vị thành niên lại thiếu kỷ năng sống, thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; nhiều gia đình thiếu việc quản lý, giáo dục con em mình… Đặc biệt, hiện nay, Internet, phim ảnh, băng đĩa phát triển nhanh, lan đến tận các gia đình, kéo theo đó, trẻ vị thành niên dễ dàng truy cập, xem những phim ảnh đồi trụy, trong khi nhận thức non nớt, lệch lạc nên dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên… Ở một số địa phương, việc ngăn ngừa, xử lý nạn tảo hôn vẫn còn lơi lỏng; vẫn còn một bộ phận người dân đồng ý cho con em mình kết hôn sớm để sớm có thêm lao động. Một số gia đình dân tộc thiểu số còn giữ quan niệm lạc hậu rằng kết hôn cận huyết giúp mối quan hệ hôn nhân càng gần gũi, thân thiết hơn…”.
Cần biện pháp hiệu quả
Trước những hậu quả nặng nề từ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn đã có chỉ thị về tăng cường các biện pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Tháng 4-2016, UBND huyện triển khai Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 trên địa bàn huyện. Qua sơ kết việc triển khai các chỉ thị và đề án trên, huyện Khánh Sơn nhận định, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cơ sở đã có sự thay đổi về quan điểm, nhận thức trong công tác chỉ đạo đối với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nhận thức của nhiều hộ đã có sự chuyển biến. Qua rà soát các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hàng chục trường hợp có nguy cơ tảo hôn đã được ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, theo bà Thân Thị Kim Quy - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND huyện Khánh Sơn, việc phòng, chống nạn tảo hôn ở các địa phương trên địa bàn huyện vẫn chưa được quan tâm đúng mức; các biện pháp để đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân; việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm, qua đó răn đe, giáo dục các đối tượng có nguy cơ tảo hôn chưa được chú trọng nên tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn, nguy cơ tảo hôn vẫn cao. Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này cần sự chung tay của các cấp, các ngành và người dân, và hơn hết cần phải có các biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.
Ban Dân tộc HĐND huyện Khánh Sơn đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên, liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chung tay đẩy lùi vấn nạn này, trong đó xác định vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở mang tính quyết định; cần phải xây dựng nội dung, biện pháp tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; chỉ đạo các đơn vị, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với các gia đình cán bộ, đảng viên; xây dựng các điểm vui chơi lành mạnh và bổ ích để thu hút trẻ vị thành niên tham gia… Đối với UBND các xã, thị trấn cần đưa chỉ tiêu giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào nhiệm vụ hàng năm để có biện pháp thực hiện có hiệu quả; giám sát các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để ngăn chặn kịp thời; đưa quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn, cam kết không tảo hôn vào hương ước của thôn, tổ dân phố…
B.L