07:03, 24/03/2017

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người yếu thế

Những năm qua, nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội.

Những năm qua, nghề công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội.


Những kết quả thiết thực


Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 400.000 đối tượng yếu thế gồm: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, hộ nghèo... Đây là những người rất cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH, đặc biệt là tư vấn và hỗ trợ giúp xóa bỏ những rào cản, đem lại sự cân bằng trong cuộc sống. Để nắm bắt và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, UBND tỉnh đã quyết định bố trí mỗi xã, phường, thị trấn 1 cộng tác viên CTXH. Đa số cộng tác viên CTXH cấp xã đều có trình độ từ trung cấp trở lên. Hàng ngày, đội ngũ cộng tác viên CTXH trực tiếp đến từng nhà đối tượng để lắng nghe, chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ để tiếp thêm nghị lực cho các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Đội ngũ CTXH đã giúp cho hàng nghìn người khuyết tật, tâm thần trên địa bàn tỉnh làm các thủ tục hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước và hỗ trợ xe lăn; hàng nghìn người có hoàn cảnh éo le được giúp đỡ kịp thời về tinh thần, vật chất.

 

Cộng tác viên công tác xã hội thị trấn Diên
Cộng tác viên công tác xã hội thị trấn Diên Khánh (bìa trái) tiếp cận tư vấn, giúp đỡ đối tượng yếu thế


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, hiện nay, ở các cơ sở bảo trợ xã hội được bố trí đội ngũ nhân viên CTXH để thực hiện tư vấn, chăm sóc cho các đối tượng yếu thế. Đồng thời, thành lập phòng CTXH tại 5 cơ sở BTXH công lập và 12 cơ sở ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Các phòng CTXH đã lập hồ sơ quản lý đối tượng chặt chẽ, thường xuyên tổ chức tư vấn, tham vấn, kịp thời cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, phục hồi chức năng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng. Đặc biệt, tháng 3-2015, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Trung tâm CTXH tỉnh. Hàng năm, trung tâm tổ chức tuyên truyền về nghề CTXH cho hơn 3.000 lượt người; mở 10 lớp giáo dục nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên và cộng tác viên CTXH. Bên cạnh đó, trung tâm còn tư vấn trực tiếp và tư vấn qua đường dây holtline cho hơn 400 lượt người/năm; trực tiếp vận động các nguồn lực trợ giúp cho hơn 250 đối tượng/năm; tổ chức 6 lớp giáo dục kỹ năng sống cho hơn 2.000 sinh viên trên địa bàn tỉnh.


Ngoài ra, trong năm 2016, các ngành chức năng đã chuyển đổi và thành lập một số trung tâm, phòng, ban CTXH như: chuyển đổi Trung tâm Bảo trợ xã hội Ninh Hòa thành Trung tâm Bảo trợ xã hội và CTXH thị xã Ninh Hòa; thành lập phòng CTXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phòng CTXH tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Các trung tâm, phòng, ban đã và đang hoạt động khá hiệu quả, giúp đỡ kịp thời hàng chục nghìn người yếu thế, bệnh nhân nghèo.

 

Tiếp tục phủ rộng công tác xã hội


Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, bên cạnh những kết quả thiết thực, việc triển khai hoạt động CTXH còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Đó là, công tác đào tạo nguồn nhân lực CTXH chưa được sâu rộng nên số lượng nhân viên CTXH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nghề hiện nay và trong những năm sau. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết trong việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Cộng tác viên CTXH cấp xã đa số đều kiêm nhiệm, chưa biên chế chuyên trách nên thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ CTXH tại địa phương còn nhiều hạn chế, trong khi đối tượng có nhu cầu trợ giúp ngày càng nhiều…


Ông Võ Bình Tân cho biết, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 475.000 đối tượng cần được hỗ trợ dịch vụ CTXH. Do đó, thời gian tới, ngành LĐ-TB-XH sẽ đổi mới phương pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH. Bên cạnh đó, thành lập trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí; thành lập, nâng cấp các trung tâm bảo trợ xã hội và CTXH tại các địa phương; phối hợp với các ngành chức năng thiết lập phòng, bộ phận CTXH tại 5 bệnh viện có quy mô trên 100 giường bệnh và 10 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; thành lập bộ phận CTXH trong các đoàn thể để cung cấp dịch vụ xã hội cho thành viên đoàn thể trong hệ thống quản lý từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố...


Có thể thấy, những người yếu thế cần được quan tâm, trợ giúp trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều và nhu cầu được sử dụng các dịch vụ CTXH rất lớn. Thực tế này đòi hỏi cần phát triển mạnh nghề CTXH chuyên nghiệp, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong xã hội, góp phần hạn chế phát sinh các vấn đề bức xúc, xây dựng xã hội công bằng, hạnh phúc cho mọi người.


VĂN GIANG