UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã đồng ý phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân khu tái định cư số 2 (xã Đại Lãnh) từ nguồn nước ngầm lấy trong hầm, do Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đề xuất.
UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã đồng ý phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân khu tái định cư (TĐC) số 2 (xã Đại Lãnh) từ nguồn nước ngầm lấy trong hầm, do Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đề xuất.
Đến nay, dự án khu TĐC số 2 tại xã Đại Lãnh đã thực hiện được gần 100% khối lượng công việc. Cụ thể, nhiều hạng mục đã xong như: hệ thống đường giao thông nội bộ tại khu vực có dân cư, hoàn thiện đường đấu nối vào khu TĐC, lắp hệ thống điện chiếu sáng ở những trục đường có người dân sinh sống, trường mẫu giáo, chợ dân sinh… Nhà đầu tư đang thực hiện hạng mục kênh thoát nước ngoài khu dân cư, vỉa hè, cây xanh công viên, bãi đậu xe, cống hộp nối khu dân cư hiện hữu với khu TĐC. Hiện nay, đã có gần 40 hộ chuyển về đây ở, điều kiện sinh hoạt tại khu TĐC khá tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, khu vực này thường xuyên thiếu nước về mùa khô, nhất là từ tháng 8 trở đi. Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Không riêng gì khu TĐC số 2, những năm gần đây, địa phương rất bức xúc về chuyện nước sinh hoạt cho người dân. Vào mùa khô, khu vực này hạn hán nặng, ngay cả nước suối cũng không có; hệ thống cấp nước của xã chỉ đáp ứng được khoảng 30% dân số trong xã”.
Nhà đầu tư đề xuất phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn nước ngầm trong hầm Đèo Cả |
Trước khó khăn về nước sinh hoạt, nhà đầu tư đã có những hỗ trợ kịp thời giúp người dân ổn định cuộc sống. Hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân khu TĐC số 2 đã được nhà đầu tư làm đúng theo thiết kế đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đó là lấy nước chảy tự nhiên từ suối ông Được thông qua hệ thống lọc, sau đó cấp cho người dân. Trong quá trình thi công hệ thống cấp nước, Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả đã hỗ trợ 37 hộ đang sinh sống tại khu TĐC mỗi hộ 2 triệu đồng để khoan giếng và mua máy bơm. Sau khi hoàn thành, hệ thống cấp nước cho người dân khá tốt. Tuy nhiên, vào mùa khô, suối ông Được cũng không có nước, dẫn đến tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt. Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả cho biết, điện nước cho người dân được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt nên mùa khô thường thiếu nước. Trước tình hình đó, bên cạnh hỗ trợ kinh phí cho người dân mua nước sinh hoạt dùng, công ty đã đề nghị tỉnh xem xét bổ sung hệ thống cấp nước sinh hoạt từ giếng khoan và đã được đồng ý. Tuy nhiên, khi đưa nhà thầu chuyên thi công giếng khoan vào khảo sát thì phát hiện địa chất tại khu vực xung quanh khu TĐC chủ yếu là trầm tích nên phương án này không khả thi.
Về lâu dài, để tránh tính trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân khu TĐC số 2, Ban Quản lý dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đã đề xuất phương án cấp nước từ nguồn nước ngầm trong hầm cho người dân. Phương án này đã được huyện Vạn Ninh chấp thuận và chờ khảo sát thực hiện. Ông Đỗ Văn Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết: “Thực tế, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân từ nước ngầm trong hầm chảy ra đã được thực hiện tại hầm Hải Vân. Nước cho chất lượng tốt và còn đóng chai bán được. Tuy nhiên, hiện nay, việc này cũng phải chờ khi hầm hoàn thiện (khoảng tháng 7), lúc đó sẽ tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm. Nếu nước đạt tiêu chuẩn, công ty sẽ cho xây bể chứa tại cửa hầm và hệ thống ống nước cấp cho người dân đấu nối vào khu TĐC. Đồng thời, công ty cũng phải nghiên cứu, tính toán lưu lượng nước chảy ra trong hầm, nếu nhiều và đảm bảo thì mới thực hiện được”.
Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, với tình trạng, điều kiện thời tiết khu vực Đại Lãnh khắc nghiệt thì việc đề xuất phương án cấp nước ngầm từ hầm ra là phù hợp. Huyện đã đồng ý với phương án này và yêu cầu nhà đầu tư khảo sát, xét nghiệm thật kỹ, nếu an toàn mới cấp cho người dân. Đồng thời, sớm lên phương án thiết kế để huyện xem xét phê duyệt.
MẠNH HÙNG