Qua thời gian triển khai cho thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo thuận tiện cho người nộp thuế cũng như đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính của cơ quan nhà nước.
Qua thời gian triển khai cho thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) tạo thuận tiện cho người nộp thuế cũng như đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính của cơ quan nhà nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp (DN) đã khởi tạo, phát hành, sử dụng HĐĐT. Nhìn chung, các DN đánh giá cao ưu điểm của HĐĐT so với hóa đơn giấy. Quá trình xử lý nhanh, thông tin trên HĐĐT được liên kết trực tiếp vào hệ thống kế toán và thanh toán của DN mua bán hàng hóa, dịch vụ; thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh…
Ông Vương Hồng Quân - nhân viên phòng khách hàng tổ chức DN (Trung tâm Kinh doanh VNPT Khánh Hòa) cho biết: “Đơn vị áp dụng HĐĐT từ tháng 3-2016. Việc sử dụng HĐĐT giúp DN tiết kiệm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ, khai thác hóa đơn; rút ngắn thời gian thanh toán, giao dịch, tránh bị thất lạc, cháy, hỏng hóa đơn…”. Theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Mai Thế kỷ 21, đơn vị đã được cơ quan thuế hướng dẫn về HĐĐT và thấy được lợi ích của nó. DN đang xem xét nếu đáp ứng được những điều kiện, phù hợp với giao dịch phát sinh trong thực tế… sẽ đăng ký thực hiện HĐĐT.
Đại diện Phòng Hành chính Quản trị Tài vụ Ấn chỉ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp về hóa đơn điện tử |
Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh cho biết, việc triển khai HĐĐT sẽ giúp ngành Thuế kiểm soát chặt chẽ quá trình tạo, lập, phát hành hóa đơn của người nộp thuế; hỗ trợ hiệu quả công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Khi HĐĐT được sử dụng rộng rãi sẽ giảm thiểu nguy cơ làm giả hóa đơn vì mọi thông tin về hóa đơn đã phát hành, loại hóa đơn sử dụng có thể tra cứu thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn tập trung của cơ quan thuế. Từ đó, giảm thiểu các rủi ro trong lĩnh vực thuế…
Tuy có những lợi ích đáng kể, nhưng trên thực tế, số lượng DN tham gia sử dụng HĐĐT vẫn còn ít. Phần lớn DN tham gia chủ yếu là các DN lớn, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, ít rủi ro. Trong khi đó, bộ phận DN nhỏ và vừa - đối tượng chiếm đa số và có mức độ rủi ro cao hơn thì hầu như chưa sử dụng HĐĐT… Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân là do các DN nhỏ và vừa hạn chế về nguồn lực tài chính nên chưa đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, người dân, DN vẫn còn thói quen khi mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn giấy và chưa hiểu rõ lợi ích của HĐĐT nên còn e ngại.
Để nhân rộng việc sử dụng HĐĐT, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích nhằm thúc đẩy các DN sử dụng. Cơ sở hạ tầng thông tin, các điều kiện quản lý, bảo mật an toàn hệ thống phải đồng bộ, thông suốt, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Bên cạnh đó, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của các DN tham gia cung cấp dịch vụ thuế điện tử trong việc bảo mật thông tin. Các cơ quan chức năng cần có đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ DN khi gặp vướng mắc…
KIM THAO
- Người bán hàng hóa, dịch vụ khởi tạo HĐĐT phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là tổ chức kinh tế có đủ điều kiện và đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế; hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
b) Có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ HĐĐT.
c) Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu để thực hiện việc khởi tạo, lập, sử dụng HĐĐT theo quy định.
d) Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.
đ) Có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hóa đơn.
e) Có các quy trình sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng lưu trữ.