Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) cho các cục thuế. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại, việc áp dụng TMS vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) cho các cục thuế. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại, việc áp dụng TMS vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tin học Cục Thuế tỉnh cho biết, TMS là ứng dụng hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, góp phần sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu phục vụ tốt việc quản lý thuế như: kê khai và kế toán thuế; quản lý nợ thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; chế độ kế toán thuế nội địa... Ứng dụng TMS sẽ giúp ngành Thuế dễ dàng áp dụng các quy trình nghiệp vụ quản lý chuẩn trên toàn quốc ở cả 3 cấp. Bên cạnh đó, TMS còn làm giảm thời gian xử lý các yêu cầu của người nộp thuế...
Theo đánh giá của các chi cục thuế, nhìn chung, ứng dụng này hoạt động tương đối ổn định, các chức năng tra cứu cho kết quả nhanh, đáp ứng các quy trình công tác chuyên môn tại đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đáng kể, trong quá trình thực hiện quản lý thuế trên TMS, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hệ thống TMS vẫn còn một số chức năng hoạt động chưa ổn định...
Ông Nguyễn Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Diên Khánh cho biết, do nguyên tắc khóa sổ xác định hạn nộp trên TMS là nhỏ hơn ngày cuối tháng nên các loại thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp có hạn phải nộp là ngày cuối tháng thì hệ thống chưa xem là nợ thuế khi chuyển nợ sang tháng tiếp theo. Do đó, căn cứ danh sách phân loại nợ thuế theo từng người nộp thuế, cán bộ quản lý nợ gặp khó trong việc đôn đốc kịp thời các khoản nợ phát sinh, đặc biệt là các loại thuế khai theo quý và hộ khoán nộp thuế theo quý… Mặc khác, khi in thông báo mẫu 07/QLN cho các trường hợp nợ thuế từ 31 ngày trở lên thì các khoản nợ dưới 31 ngày không thể hiện trên thông báo 07/QLN…
Tại Chi cục Thuế TP. Nha Trang, tình hình quản lý nợ thuế trên ứng dụng TMS cũng gặp khó. Khi thực hiện chức năng 9.9.1.7 kết xuất sổ nợ toàn chi cục thì không có địa bàn quản lý, địa chỉ kinh doanh và ngành nghề kinh doanh. Do đó, đơn vị khó thực hiện đánh giá công tác quản lý nợ nên phải thực hiện thủ công. Bên cạnh đó, công tác nhập quyết định cưỡng chế trên ứng dụng chưa hoàn thiện nên phải ban hành bên ngoài...
TMS là hệ thống quản lý thuế tích hợp cho phép quản lý, lưu trữ tập trung thông tin quản lý của tất cả các sắc thuế trên phạm vi toàn quốc. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thông tin đầy đủ, chính xác về người nộp thuế và tình hình thu, nộp thuế sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ngành thuế chuyển sang mô hình quản lý theo phân tích mức độ rủi ro. |
Điều đáng nói, có những sắc thuế, khoản thu nếu đưa vào quản lý, theo dõi trên ứng dụng TMS cũng sẽ phát sinh vướng mắc. Ông Nguyễn Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Ninh Hòa nhìn nhận: “Các khoản thuế nợ có liên quan đến đất đai (nợ thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất...) đến nay vẫn chưa được chuyển nợ vào ứng dụng TMS do các hộ, cá nhân chưa được cấp mã số thuế cũng như trong hồ sơ đất đai không có thông tin cần thiết để cấp mã số thuế… Vì vậy, chi cục thuế đề nghị tạm thời chưa nhập liệu vào TMS”.
Cùng với đó, theo thông tin từ một số chi cục thuế, các hộ, cá nhân sau khi làm xong sổ chứng nhận quyền sử dụng đất lại chưa có nhu cầu lấy sổ nên không hợp tác với cơ quan thuế để giải quyết nợ tiền sử dụng đất. Điều này cũng khiến công tác quản lý nợ tiền sử dụng đất đối với hộ, cá nhân trên hệ thống TMS gặp trở ngại.
Ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng phòng Tổng hợp Nghiệp vụ Dự toán Cục Thuế tỉnh cho biết, Cục Thuế tỉnh ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các chi cục thuế trong quá trình thực hiện quản lý thuế trên TMS và sẽ kiến nghị cấp trên xem xét sửa đổi, bổ sung các chức năng mới nhằm hoàn thiện hơn.
NGUYỄN KIM