Theo phản ánh của các hộ nuôi thủy sản ở thôn Hiệp Mỹ, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, từ cuối năm 2015 đến nay, lượng cá, tôm nuôi bị chết bất thường rất nhiều. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra. Người dân cho rằng, nước biển ở khu vực này đã bị ô nhiễm…
Theo phản ánh của các hộ nuôi thủy sản ở thôn Hiệp Mỹ, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, từ cuối năm 2015 đến nay, lượng cá, tôm nuôi bị chết bất thường rất nhiều. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra. Người dân cho rằng, nước biển ở khu vực này đã bị ô nhiễm…
Ông Nguyễn Cảnh (chủ đìa nuôi ở thôn Hiệp Mỹ) cho biết: “Ngày trước, toàn bộ khu vực này nuôi thủy sản rất tốt. Thủy sản nuôi ít khi bị chết, ngoại trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, đặc biệt là cuối năm vừa rồi, thủy sản thường xuyên chết hàng loạt, các chủ đìa lỗ nặng”. Ông Trần Văn Hữu (thôn Hiệp Mỹ) cho hay: “Mấy mùa vừa rồi thủy sản chết liên tục. Nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm, chúng tôi đã đào một ô đìa chứa nước ở cạnh đìa nuôi để xử lý nước. Song làm cách này khá tốn kém, chi phí tăng lên rất cao, nguy cơ thua lỗ càng tăng”.
Đìa bỏ hoang vì thủy sản nuôi trồng chết hàng loạt |
Ông Lê Hữu Ngạn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông khẳng định: “Đúng như người dân phản ánh, tình trạng thủy sản chết bất thường chỉ diễn ra trong 2 năm trở lại đây. Đặc biệt, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, mật độ cá, ốc bị chết khá nhiều. Hiện nay, đã có khoảng 50ha ao đìa của 30 hộ nuôi trồng bị ảnh hưởng. Phần lớn các hộ nuôi đã bỏ đìa hoang hoặc đi nơi khác thuê đìa để nuôi trồng. Có thể khẳng định, xảy ra tình trạng này bắt nguồn từ việc nguồn nước bị ô nhiễm. Một số hộ còn bám trụ được đều phải đầu tư hồ lắng, xử lý nước trước khi chuyển sang hồ nuôi. Song, biện pháp này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình trạng cá thể nuôi bị chết vẫn xảy ra. Hiện nay, cán bộ hội đã xuống nắm tình hình và báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý”.
Trao đổi với chúng tôi, các hộ nuôi trồng đều cho rằng, nguồn nước bị ô nhiễm là bởi các công ty chế biến thủy sản ở gần khu vực biển gây nên. Trong đó, Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất. Bởi, nước ở khu vực công ty này luôn có mùi hôi thối. Đặc biệt, nếu công ty này không có hàng, ngừng sản xuất thì việc nuôi trồng rất ổn định, thủy sản nuôi không bị chết; nhưng giai đoạn nào mà công ty này hoạt động liên tục, mật độ thủy sản chết cũng tăng theo. Tuy nhiên, để có thể kết luận chính xác phải có cơ quan chức năng giám định. Vì thế, người nuôi trồng thủy sản đã làm đơn kiến nghị gửi lên Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) đề nghị can thiệp.
Mới đây, Sở TN-MT cùng chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra để xác định nguyên nhân. Tại thời điểm kiểm tra, do Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh không xả thải ra môi trường nên không lấy được mẫu nước thải. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra nhận thấy ở địa điểm tiếp nhận nước thải của công ty này nước có mùi hôi khó chịu. Theo ông Mai Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở TN-MT, tuy sở không thu được mẫu nước thải của công ty, nhưng đây là cơ sở gây ô nhiễm môi trường do xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn và phải xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải theo quy định của UBND tỉnh. Sở đã nhắc nhở công ty này 2 lần nhưng đến nay, công ty vẫn chưa báo cáo phương án cải tạo hệ thống xử lý nước thải theo phương án của sở. Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh cũng thuộc đối tượng thanh tra của Sở TN-MT trong năm 2016.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra và giám sát khu vực này nhằm đảm bảo môi trường cho các hộ có điều kiện nuôi trồng thủy sản trở lại.
Đình Lâm - Thế Anh