Tuy các bến xe, nhà ga đã tăng chuyến và phương tiện nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách dịp sau Tết, cao điểm là các ngày mùng 6, 7 và kéo dài đến hết mùng 10 Tết.
Tuy các bến xe, nhà ga đã tăng chuyến và phương tiện nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách dịp sau Tết, cao điểm là các ngày mùng 6, 7 và kéo dài đến hết mùng 10 Tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở Ga Nha Trang, đến ngày mùng 9 tháng Giêng đã bán hết vé tuyến đi TP. Hồ Chí Minh. Ngành Đường sắt đã tăng lên 11 đôi tàu chạy tuyến bắc - nam, 5 đôi tàu địa phương đi TP. Hồ Chí Minh; riêng Ga Nha Trang đã tổ chức thêm 4 đoàn tàu chạy từ Nha Trang vào TP. Hồ Chí Minh từ mùng 4 Tết trở đi nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách. Nguyên nhân do hành khách chủ yếu mua vé chặng đường dài, từ các tỉnh phía bắc vào nam nên vé tàu Thống nhất đã được bán hết, dẫn đến tình trạng căng thẳng cho vé tuyến Nha Trang đi TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê, từ mùng 4 Tết trở đi có từ 1.500 đến 1.700 hành khách mỗi ngày di chuyển về các tỉnh phía nam bằng tàu hỏa. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, vé đi TP. Hồ Chí Minh đến ngày mùng 10 Tết đã bán hết. Đặc biệt, trong ngày mùng 6 Tết, Ga Nha Trang quá tải. So với cùng kỳ năm trước, lượng hành khách tăng hơn 10%.
Ga Nha Trang tăng cường tàu, nối toa nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu hành khách |
Tại Bến xe phía Nam, do chủ động trong lập kế hoạch, nắm bắt tâm lý của hành khách nên tình hình vé xe tại bến có tín hiệu tích cực hơn. Theo thống kê từ Bến xe phía Nam, những ngày qua, mỗi ngày có từ 153 đến 199 lượt xe xuất bến, với khoảng từ 2.900 đến 4.500 khách, tăng khoảng 3% so với dịp Tết năm ngoái. Cao điểm của dịp lễ năm nay vẫn là tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh vào các ngày mùng 6 và 7 Tết. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Bến xe phía Nam Nha Trang cho biết, bến xe đã tổ chức các phương án tăng cường để phục vụ hành khách. Cụ thể, tính đến hết ngày mùng 7 Tết, bến xe tăng cường 30 xe chạy các tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng. Riêng tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, tổng lượng khách năm nay tăng khoảng 11%, số lượt xe cũng tăng gần 9% so với dịp Tết năm ngoái.
Theo lãnh đạo nhà ga, bến xe, tuy lượng khách đến các địa điểm này rất đông trong những ngày Tết nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý và có sự phối hợp hiệu quả với các lực lượng chức năng nên tình trạng kẹt xe, mất an ninh trật tự tại đây không diễn ra. Nhiều người do không chuẩn bị trước việc trở lại các thành phố lớn đúng dịp để đi làm đã phải lùi lại 1 - 2 ngày và đều mua được vé.
Giá vé xe tại Bến xe phía Nam đi các tỉnh phía nam đến ngày mùng 10 Tết tăng từ 20 đến 40% so với những ngày thường. Ngành Đường sắt cũng tăng giá vé đi các tỉnh phía nam từ 30 đến 40%. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, không đăng ký tại các bến xe trong tỉnh. Đây cũng là một trong những nguồn lớn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, như: xe Hạnh Café, Trà Lan Viên, Nam Phương… Mùng 7 Tết, khi được hỏi vé tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các hãng xe này cho biết đã bán hết vé đi các ngày mùng 7, 8, 9, mùng 10 Tết. Giá vé dao động từ 380.000 đến 450.000 đồng. Còn theo phản ánh của bạn đọc, mùng 6 Tết, một số hãng xe bán vé với giá niêm yết, tuy nhiên khi lên xe lại thu thêm một khoản phụ thu từ 200.000 đến 350.000 đồng/vé. Điều này gây ra phiền toái, khiến hành khách không hài lòng. Có hành khách trả lại vé không đi để lùi thời gian di chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn TP. Nha Trang có một số hãng xe hợp đồng, không đăng ký tại bến trong tỉnh mà đăng ký tại các tỉnh, thành phố khác. Vì thế, việc quản lý những xe này gặp khá nhiều khó khăn. Giá vé, lượng hành khách quản lý theo tháng chứ không theo thời điểm.
THÀNH NAM