Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa đoạn đường đèo Hòn Giao ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lại xuất hiện tình trạng lở đất hoặc đá lăn. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền giữa Khánh Hòa và Lâm Đồng, luôn có lượng phương tiện lưu thông khá lớn.
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa đoạn đường đèo Hòn Giao ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lại xuất hiện tình trạng lở đất hoặc đá lăn. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền giữa Khánh Hòa và Lâm Đồng, luôn có lượng phương tiện lưu thông khá lớn.
Với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, có nhiều dòng nước ngầm từ các vách núi chảy ra, cộng với lượng mưa trung bình hàng năm lớn nên tuyến đường đèo Hòn Giao thường xuyên gây sạt lở đất, đá..., đe dọa đến sự an toàn của người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Tình trạng sạt lở trên đèo Hòn Giao mùa mưa năm 2014 |
Trong vòng hơn 1 tháng qua, dù mới trải qua mấy trận mưa lớn, song hiện tượng đá lăn đã bắt đầu xảy ra trên một số điểm. Tuy việc đá lăn chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng đã và đang khiến người đi đường cảm thấy bất an. Dọc tuyến đường đèo Hòn Giao hiện vẫn còn nhiều dấu tích của những đợt lở núi năm trước. Quan sát từ trên vách núi, một số chỗ đất đá đang nằm cheo leo, chỉ một trận mưa to cũng có thể đổ ập xuống đường bất cứ lúc nào. Ông Hà Ban (thôn Giang Biên, xã Sơn Thái) cho biết: “Mùa mưa lũ năm nào tại đây cũng xảy ra sạt lở núi với khối lượng lớn, có những năm đá đổ từ trên vách núi xuống vùi lấp cả đoạn đường dài, làm tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường này. Mới chỉ mấy trận mưa đầu mùa, nhưng tại đây đã xảy ra sạt lở nhẹ, nhiều viên đá tảng lăn xuống đường. Người dân địa phương rất nhiều lần phải lăn các hòn đá lớn vào vệ đường cho xe qua lại được an toàn”.
Theo Công an huyện Khánh Vĩnh, đoạn đèo này có nhiều khúc cua khuỷu tay, vòng vèo liên tục. Thống kê từ km số 29 đến km số 61 có 6 điểm thường xuyên bị sạt lở khi trời mưa. Bên cạnh đó, từ khi tuyến đèo Hòn Giao đưa vào khai thác đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thường xuyên nhất là từ km số 30 đến km số 53 (đoạn đổ đèo xuống địa phận huyện Khánh Vĩnh).
Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết, nắm bắt được những nguy cơ và những tình huống xấu có thể xảy ra, bước vào đầu mùa mưa 2015, UBND xã Sơn Thái đã đưa vào kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; chỉ đạo ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai xây dựng các kế hoạch để triển khai các phương án phòng, chống. Trên địa phận xã Sơn Thái, đoạn đường đèo Hòn Giao luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và hiện chưa có phương án xử lý triệt để nên xã luôn ý thức rất cao trong việc ứng cứu kịp thời khi các sự cố xảy ra trên đèo. Trong đó, các cán bộ chuyên trách xã về phòng chống lụt, bão thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm của mùa mưa để nắm bắt thông tin và đôn đốc, chỉ đạo kịp thời; tuân thủ phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Khi các phương tiện giao thông và người bị mắc kẹt trên đèo, địa phương sẽ cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, phối hợp cùng với huyện và các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề liên quan…
Ngoài ra, UBND xã Sơn Thái đã chủ động rà soát những hộ gia đình có nương rẫy nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét... để vận động di dời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai, cách thức phòng, chống; vận động nhân dân nâng cao cảnh giác khi mùa mưa lũ về, tuyệt đối không đánh bắt cá ở các suối hay canh tác ở các sườn đồi. Đối với người đi đường, khi có mưa lớn cũng cảnh báo để họ tạm dừng lưu thông qua tuyến đường đèo này.
Đình Lâm