UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Đây là việc làm cần thiết nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhà cửa, các công trình và sản xuất.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Đây là việc làm cần thiết nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhà cửa, các công trình và sản xuất.
Theo phương án, toàn tỉnh sẽ huy động lực lượng sơ tán dân; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; bảo đảm an ninh, trật tự, thông tin liên lạc thông suốt. Ưu tiên sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, nhà không kiên cố, nhà vùng thấp có nguy cơ ảnh hưởng của nước biển dâng do bão gây ra tại các địa phương ven biển... Các địa điểm an toàn có thể sơ tán là các công trình kiên cố có khả năng chống chịu bão như: trường học, nhà cộng đồng, trạm y tế, trụ sở chính quyền... Vùng có nguy cơ ảnh hưởng nước biển dâng là khu vực ven biển các huyện, thị xã, thành phố giáp biển (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh). Lực lượng hỗ trợ sơ tán dân chủ yếu là lực lượng vũ trang tỉnh, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu đóng trên địa bàn, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích các địa phương... 3/13 khu neo đậu tàu thuyền, kín gió có thể đảm bảo khi có bão mạnh là: Cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang), Cảng cá Đá Bạc (TP. Cam Ranh) và Khu neo đậu tàu thuyền Bình Tây (Ninh Hải, Ninh Hòa). Các lực lượng phối hợp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi khu vực gió bão, neo đậu an toàn...
Chủ động xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão là việc làm cần thiết. (ảnh minh họa) |
Được biết, toàn tỉnh hiện có 26 hồ chứa nước, 2 hồ thủy điện, 13 đập dâng nhưng một số hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vận hành an toàn trong mùa mưa bão như: hồ Suối Trầu, Suối Sim, Sở Quan, Bến Ghe (Ninh Hòa), Đá Mài, Láng Nhớt (Diên Khánh), Đồng Bò (Nha Trang). Theo phương án, các đơn vị bảo đảm an toàn hồ có trách nhiệm chủ động kiểm tra, theo dõi, tổ chức xả lũ, tích nước hợp lý, ứng phó kịp thời khi có sự cố mất an toàn do mưa lũ theo phương án được duyệt...
Giai đoạn 2004 - 2014, Khánh Hòa chưa bị ảnh hưởng của bão mạnh, siêu bão, tuy nhiên các cơn bão cấp 8, 9, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, lốc xoáy, lở đất... đã gây thiệt hại đáng kể về người, tài sản (111 người chết; đổ, trôi, ngập, hỏng hơn 13.000 ngôi nhà; thiệt hại vật chất hơn 1.400 tỷ đồng). Ngoài ra, bão, áp thấp nhiệt đới từ năm 2009 - 2013 đã làm chìm, hư hỏng 137 phương tiện tàu thuyền, hàng chục người chết, mất tích. |
Ngoài ra, các phương án bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, liên lạc thực hiện theo kế hoạch của ngành, đơn vị, đảm bảo vận hành thông suốt trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tăng cường tổ chức tuyên truyền về tác hại có thể xảy ra của siêu bão, khả năng bảo vệ của đê điều, khu neo đậu tàu thuyền, đặc biệt quan tâm đối tượng dân cư sống ven biển, người làm việc trên lồng bè, nuôi trồng thủy sản...
UBND tỉnh đã quán triệt các cấp, ngành chủ động xây dựng phương án toàn diện, trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện – kinh phí, hậu cần), lấy phòng ngừa là chính, tập trung giải pháp sơ tán dân, tàu thuyền, khu du lịch ven biển, bảo vệ các công trình trọng yếu...
P.L