Thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", lòng tri ân của các thế hệ đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến cuối đời.
Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân của các thế hệ đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến cuối đời.
Cùng với đoàn công tác của Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ) đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Thị Truyện (thôn Đông 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), chúng tôi xúc động khi nhìn nụ cười móm mém của mẹ - người đã 2 lần vượt qua nỗi đau mất chồng, mất con. Chồng mẹ - ông Lê Quý đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Khánh Hòa năm 1970. Đến năm 1980, mẹ lại mất đi người con trai Lê Văn Hiến khi anh tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Nỗi đau quá lớn khiến mẹ Truyện tưởng có lúc ngã gục...
|
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Thị Truyện |
Với mong muốn được sẻ chia những hy sinh, mất mát của mẹ Truyện, đầu năm 2015, Công ty Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ đã nhận phụng dưỡng và chăm sóc mẹ đến cuối đời. Mỗi tháng, đơn vị chu cấp cho mẹ hơn 1 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng là niềm động viên, an ủi để mẹ sống vui, sống khỏe bên con cháu. Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên cử cán bộ, nhân viên đến thăm hỏi sức khỏe, bệnh tình của mẹ; thăm và tặng quà cho mẹ vào các dịp lễ, Tết... Ông Tạ Quang Tích - Chủ tịch Công đoàn Công ty Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ tâm sự: “Nhiều lần trò chuyện, nghe mẹ kể về chồng và con trai mẹ, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Những người thân của mẹ đã hy sinh xương máu cho đất nước. Chính vì vậy, việc chăm sóc mẹ là niềm tự hào cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Ngoài ra, những năm qua, chúng tôi đã ủng hộ xây 3 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh, với số tiền hơn 40 triệu đồng/căn”.
Hoàn cảnh neo đơn của mẹ Lê Thị Mơi (phường Vĩnh Trường, Nha Trang) khiến ai cũng xúc động. Chồng mất sớm, người con gái duy nhất của mẹ cũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Từ đó, mẹ Mơi sống một mình trên căn gác của người cháu họ. Từ khi được Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 12 (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) và Công ty Khatoco nhận phụng dưỡng, căn gác của mẹ có thêm những tiếng nói, tiếng cười của nhiều đứa con, đứa cháu xa lạ mà thân thiết. Trước đây, sức khỏe còn tốt, mỗi lần đi ngang Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 12, mẹ Mơi vẫn thường ghé vào trò chuyện với cán bộ, nhân viên đơn vị. Bởi với mẹ, các anh chị đã trở thành con cháu trong nhà. Nay sức khỏe của mẹ không được như trước nên các anh chị thường xuyên ghé thăm mẹ trong căn nhà tình nghĩa mà đơn vị hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 12, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị luôn coi trọng các hoạt động xã hội. Việc nhận phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mơi là cơ hội quý để đơn vị thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với người có công với cách mạng.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 36 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và đa số các mẹ đang được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức hỗ trợ gần 1 triệu đồng/mẹ/tháng. Tiêu biểu là các đơn vị: Khatoco, Công ty Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ, Công ty TNHH Vinpearl Land, Trường Đại học Thông tin liên lạc, Công ty Cổ phần Xây dựng Cấp thoát nước số 12... Khi nhận phụng dưỡng và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đơn vị đều lên kế hoạch, triển khai kịp thời nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các mẹ. Đó không chỉ là trách nhiệm, là bổn phận đối với các mẹ mà còn là lời tri ân của thế hệ sau gửi tới anh linh những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
VĂN NGUYỄN