10:06, 27/06/2015

Sông Chò, Khánh Vĩnh: Nhiễm độc từ phía thượng nguồn

Thời gian gần đây, tuy thiếu nước sinh hoạt nhưng người dân xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) rất hạn chế sử dụng nguồn nước của sông Chò. Đã có không ít người dân bị tiêu chảy, đau bụng khi sử dụng nguồn nước ở đây...

Thời gian gần đây, tuy thiếu nước sinh hoạt nhưng người dân xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) rất hạn chế sử dụng nguồn nước của sông Chò. Đã có không ít người dân bị tiêu chảy, đau bụng khi sử dụng nguồn nước ở đây...


Bao đời nay, con sông Chò vốn là nguồn nước chính của người dân xã Khánh Hiệp. Trong đó, các thôn Ba Cẳng, Soi Mít, Cà Thêu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên này. Bà Cao Thị Bình (thôn Cà Thêu) cho biết: “Lâu nay, người dân ở đây sống nhờ nước của con sông Chò. Nước ở đây sạch sẽ, trong và mát lắm. Phía đầu nguồn sông Chò là rừng nên lúc nào cũng có đủ nước cho chúng tôi dùng”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân khi lấy nước ở sông Chò về sử dụng đã có hiện tượng đau bụng, tiêu chảy... khiến các hộ gia đình ở địa phương khá hoang mang.

 

 Người dân chỉ sử dụng nước sông để tắm, giặt, không ai dám lấy nước về uống.
Người dân chỉ sử dụng nước sông để tắm, giặt, không ai dám lấy nước về uống


Ông Cao Minh Tuấn (thôn Ba Cẳng) cho hay: “Cách đây hơn một tháng, trong lúc đi làm rẫy, tôi có uống nước của sông Chò. Không biết nước bị nhiễm cái gì nhưng chỉ sau khi uống 30 phút là tôi bị đau bụng và tụt huyết áp. Ban đầu, tôi không nghĩ là do nước mà do sức khỏe mình có vấn đề nên mới như vậy. Nhưng mấy ngày sau, nhiều người khác cũng bị đau bụng, tiêu chảy nên chúng tôi nghi ngờ nước sông bị ô nhiễm”. Trước thực tế nhiều người bị tiêu chảy, đau bụng khi uống nước sông Chò, không ít gia đình cảm thấy lo lắng. Tuy đang mùa khô, thiếu nước nhưng cũng không mấy ai dám sử dụng nước sông Chò để sinh hoạt. “Lâu nay sử dụng nước sông có sao đâu, giờ bị đau bụng, tiêu chảy khiến mình lo lắm. Cả tháng nay nhà mình toàn dùng nước tự chảy thôi, nước ít không đủ dùng nhưng cũng đành chịu chứ không dám dùng nước sông nữa. Cái bụng nó đau lại phải đi bệnh viện lấy đâu ra tiền” - bà Ni E H’Lin (thôn Soi Mít) nói.


Theo ông Cao Minh Gòn - cán bộ kiểm lâm xã Khánh Hiệp, tuy nguồn nước có những biểu hiện bất thường nhưng không ai biết được nguyên nhân tại sao. Vì Khánh Hiệp vốn là khu vực đầu nguồn nên khó có gì có thể tác động đến nguồn nước. Gần đây lại xuất hiện tình trạng cá chình, cá suối chết trôi từ đầu nguồn về, điều này càng khẳng định thêm khả năng đầu nguồn đã bị ô nhiễm. “Qua thông tin từ một số bà con đi rừng, cách xã Khánh Hiệp khoảng 1 ngày đi bộ hiện có nhiều đồng bào của huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk lấn đất làm rẫy. Họ đã sử dụng thuốc diệt cỏ và sau đó bỏ các vỏ bao bì thuốc diệt cỏ xuống sông, làm cho nguồn nước bị nhiễm độc. Khi chúng tôi lên khu vực đầu nguồn thì có vô số vỏ chai, lọ thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nằm dưới sông Chò. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, người dân của huyện M’Đrăk còn dùng thuốc để đánh cá suối nên cũng làm cho nguồn nước bị nhiễm độc” - ông Gòn nói.


Xung quanh vấn đề này, ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra vừa kết hợp kiểm tra rừng vừa xác minh để tìm nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính khiến nước sông Chò có những dấu hiệu bất thường là do đồng bào người Mông, Dao... của huyện M’Đrăk dùng thuốc, rễ cây đổ xuống sông để bắt cá. Không biết thuốc đánh cá này độc như thế nào nhưng nhìn cá chết hàng loạt thì cũng đủ biết nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nguồn nước ở đây. Chúng tôi đã nhắc nhở họ không dùng thuốc để đánh bắt cá nữa. Còn về vấn đề thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ thì đúng là có nhiều vỏ chai, lọ bỏ xuống sông nhưng khả năng gây ô nhiễm nguồn nước của các loại thuốc bảo vệ thực vật là không nhiều. Mấy hôm nay, mưa rừng nhiều nên nước lớn làm chảy hết các chất ô nhiễm, khả năng người dân lại có thể sử dụng nước sông Chò bình thường”.


Đình Lâm