11:06, 07/06/2015

Nhiều vướng mắc của ngư dân Khánh Hòa đang được tháo gỡ

Sau 9 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Khánh Hòa mới chỉ có 3 chủ tàu được ký hợp đồng vay vốn để đóng tàu, quá ít so với chỉ tiêu hơn 175 chiếc...

Sau 9 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67/CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Khánh Hòa mới chỉ có 3 chủ tàu được ký hợp đồng vay vốn để đóng tàu, quá ít so với chỉ tiêu hơn 175 chiếc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phân bổ. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết:


Sự kiện tàu cá Gia Bảo KH 95177 TS của ngư dân Dương Văn Quang, được Vietcombank Nha Trang hỗ trợ gần 5 tỷ đồng vừa hạ thủy đã thể hiện chính sách của NĐ đã đến được với ngư dân tỉnh Khánh Hòa. Đây là con tàu bằng vật liệu composite đầu tiên của cả nước được đóng trong chương trình của NĐ 67. Vật liệu mới do chủ tàu chủ động lựa chọn, việc thiết kế con tàu có sự trao đổi, phối hợp giữa chủ tàu và cơ sở nghiên cứu, cơ sở đóng tàu. Đây là một cách làm hay để nhân rộng ra cả nước.


- Sau 9 tháng triển khai NĐ 67, đến nay tỉnh Khánh Hòa mới hạ thủy được con tàu đầu tiên, vậy theo ông, tiến độ thực hiện như vậy nhanh hay chậm?


- So về tiến độ, nếu đóng tàu bằng vật liệu mới composite thì đây là con tàu đầu tiên của cả nước, vì vậy không phải là chậm. Đến nay, Bộ NN-PTNT mới chỉ có 21 mẫu tàu vỏ thép, còn mẫu tàu composite vẫn đang trong quá trình thiết kế, xây dựng. Có con tàu này, chứng tỏ các ngành chức năng ở tỉnh Khánh Hòa và đặc biệt là chủ tàu đã xung kích đi đầu. Chúng tôi rất hoan nghênh, mong muốn con tàu hoạt động hiệu quả.


- Thực tiễn thì nhiều ngư dân e ngại tham gia NĐ 67 vì yêu cầu phải sử dụng máy mới, giá thành sẽ đội lên cao, còn chọn lựa tàu composite lại chưa có mẫu tàu nên phải thiết kế từng chiếc, vì vậy thời gian làm các thủ tục kéo dài?


- Việc sử dụng máy cũ trong NĐ 67 không cho phép, nhưng theo nguyện vọng của ngư dân và qua thực tiễn triển khai vừa qua, Chính phủ đã đồng ý nếu như nâng cấp tàu có thể sử dụng máy cũ, còn đóng mới thì dứt khoát phải máy mới. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ cùng Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp để ban hành hướng dẫn cho các địa phương. Hiện nay, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng mẫu tàu composite nhưng trong điều kiện chưa ban hành mẫu tàu thì các địa phương và ngư dân không nên chờ đợi đến khi ban hành. Bộ sẽ cử các cơ quan chức năng hướng dẫn, đặc biệt là cơ quan đăng kiểm để phối hợp với các cơ sở đóng tàu, ngư dân chủ tàu để nhanh chóng hoàn thành thiết kế từng con tàu composite.


- Được biết, Khánh Hòa được Bộ NN-PTNT phân bổ chỉ tiêu 160  tàu khai thác, 15 tàu dịch vụ nhưng đến nay mới chỉ có hơn 20 tàu được phê duyệt. Nhiều người lo ngại, khi hết năm 2016, NĐ 67 ngừng triển khai thì sẽ không đạt chỉ tiêu này?


- Hiện nay, nguồn lợi cá ngừ đại dương trên biển Đông của Việt Nam đang còn trữ lượng rất lớn. Bộ đang cùng 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa xây dựng mô hình thí điểm liên kết khai thác cá ngừ theo chuỗi, liên kết từ sản xuất, khai thác, thu mua, chế biến đến xuất khẩu. Các địa phương đang tích cực huấn luyện cho ngư dân. Việc đóng tàu tham gia chuỗi này được lồng ghép trong NĐ 67, việc chậm trễ có nhiều lý do, ngư dân cũng đang cân nhắc chọn vật liệu, cơ sở đóng tàu và các tổ chức tín dụng. Chính phủ vừa sơ kết và đã tháo gỡ, giải quyết, bổ sung một số chính sách để phù hợp nguyện vọng của nhân dân nên sắp tới tiến độ sẽ nhanh hơn. Chính sách này không phải đến năm 2016 sẽ khép lại. Đến năm 2016, chúng ta sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá, đồng thời sẽ bổ sung thêm một số nội dung cần thiết. Vì vậy, ngư dân nên yên tâm. Sắp tới, thực hiện NĐ 67, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá, tỉnh Khánh Hòa cũng cần triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp ngư dân để họ an tâm bám biển.


- Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Đức Bình (thực hiện)