07:06, 05/06/2015

Những người làm sạch đảo

Có chứng kiến công việc của những công nhân thu gom rác trên đảo mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của họ.

Có chứng kiến công việc của những công nhân thu gom rác trên đảo mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của họ.


Ra đảo thu gom rác


6 giờ 30 phút, chúng tôi theo tàu thu gom rác trên đảo của đội Môi trường 3 (Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang). Gọi là tàu gom rác nhưng thực chất đó chỉ là chiếc tàu cá của ngư dân được công ty thuê làm nhiệm vụ vận chuyển rác từ đảo vào bờ.

 

Chuyển thùng rác lên đảo Trí Nguyên.
Chuyển thùng rác lên đảo Trí Nguyên


Nhiệm vụ của đội là trong buổi sáng, thu gom rác ở 5 đảo: Trí Nguyên, Vũng Ngán, Hòn Một, Bích Đầm và Đầm Bấy. Ngoài ra, đội còn thu gom rác từ khu vực lồng bè nuôi thủy sản và các khu du lịch trên vịnh Nha Trang. Tại đảo Trí Nguyên, các anh nhanh chóng đưa từng thùng rác rỗng lên bờ cho đồng đội có phương tiện thu gom rác rồi rời đảo. 20 phút sau tàu cập đảo Vũng Ngán. 3 công nhân tản ra, men theo các con đường bê tông quanh đảo nhanh chóng thu gom rác. Vũng Ngán là đảo khá lớn nhưng do đội không đủ nhân lực để gom rác từ ban đêm, nên khi tàu vừa cập bến, các anh phải tranh thủ thu gom rác. Anh Nguyễn Quốc Dũng - thành viên của đội - vừa quét, vừa gom rác, nhanh chóng làm sạch con đường bê tông trước mặt, trong khi đó anh Nguyễn Khắc Tân xuống cầu tàu, lật từng viên đá, nhành cây để lượm rác. Các anh cho biết, khó khăn nhất là lúc thủy triều xuống, mỗi lần đưa thùng rác lên hay xuống tàu rất khó khăn.


Đội Môi trường 3 phụ trách thu gom rác không chỉ tuyến đảo mà còn ở đất liền (phường Vĩnh Nguyên và Lộc Thọ), vì thế công việc hàng ngày rất vất vả. “Gom rác ở đâu cũng có nỗi khổ riêng. Trong đất liền phải tranh thủ gom từ khuya, còn ở đảo phải kéo lê từng thùng rác nặng đi qua cát nóng, mùa mưa bão còn cực hơn…”, anh Trần Văn Hương - Đội trưởng  đội Môi trường 3 chia sẻ.


Được biết, trước đây đã có nhiều đơn vị thực hiện việc thu gom rác ở đảo nhưng không thành công. Đến năm 2010, khi Công ty Môi trường Đô thị Nha Trang vào cuộc, việc này mới ổn định. Ngày đơn vị triển khai thu gom rác ở đảo khá nhiêu khê. Lúc đầu, rác được tập kết tại khu vực Hòn Rớ nhưng bị người dân phản ứng. Sau này, công ty chọn cảng Cầu Đá và phải thương thảo nhiều lần, cảng mới đồng ý tạo điều kiện về mặt bằng…


Vẫn còn trăn trở


Hiện nay, mỗi ngày, lượng rác thu gom từ các đảo khoảng 2,5-3 tấn. Hiện công ty bao cấp kinh phí, phương tiện cho việc thu gom rác ở đảo, chỉ tính riêng tiền thuê tàu chở rác, mỗi tháng cũng ngót nghét 37-38 triệu đồng. Nhưng việc thu tiền rác tại các đảo rất khó khăn, chỉ đạt khoảng 50% số hộ. Bên cạnh đó, ý thức của người dân còn hạn chế. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản vẫn thải rác trên biển nhưng không chịu đóng phí rác. Tình trạng xả rác bừa bãi tại các bến tàu, cầu cảng vẫn còn diễn ra phổ biến…

 

Ông Hồ Ngọc Ân - Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang: Công việc của những công nhân thu gom rác rất vất vả, họ phải nỗ lực rất nhiều để biển đảo sạch, đẹp hơn. Khó khăn hiện nay là ý thức của người dân còn hạn chế, xả rác bừa bãi. Sắp tới, công ty sẽ tham mưu UBND TP. Nha Trang chỉ đạo các xã, phường tăng cường tuyên truyền, vận động, ký cam kết trách nhiệm với từng hộ dân, đảm bảo hài hòa lợi ích trong việc thu gom rác (đúng giờ, đúng vị trí, đúng nơi quy định)…

Điều đáng nói là Đội Môi trường 3 hiện có 13 người nhưng phải chia nhau làm ở 2 nơi: đất liền và đảo. Một tuần, mỗi người chỉ có một ngày nghỉ, vì thế để cho tiện, có người ở luôn ngoài đảo. Anh Dũng công tác tại công ty 12 năm, có nhiều thời gian làm việc trên đảo. Anh cho biết, gia đình anh có 4 người nhưng chỉ mình anh là lao động chính, mỗi tháng thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng nên cuộc sống cũng chật vật. Trong khi đó, công việc của anh và đồng nghiệp khá vất vả. Có đảo, đường sá chưa hoàn chỉnh, công nhân phải gồng mình, đẩy xe rác nặng qua cát lún. Mùa mưa còn cực hơn, rác tấp vào ghềnh, phải thu dọn cho sạch. “Mùa biển động, không chỉ rác tấp vào những chỗ khó nhặt, khó hốt mà việc đi lại cũng rất nguy hiểm. Năm 2012, sóng lớn đã làm các thùng rác trên tàu rơi xuống biển, cả nhóm phải vất vả tìm cách kéo từng thùng một, chống chọi với từng con sóng cao…”, anh Dũng nhớ lại.


Theo chân các anh ra đảo, chứng kiến cảnh các anh tranh thủ ăn từng nắm xôi, ổ bánh mì mang theo, hay chuẩn bị từng hộp sữa, ký đường mang ra cho đồng đội không kịp về đất liền nhận chế độ bồi dưỡng mà lòng xốn xang. Ở những người công nhân này, mọi sinh hoạt đời thường dường như dừng lại, tất cả tranh thủ cho kịp chuyến tàu ra đảo.


VĨNH LẠC