Việc đổi mới nội dung vận động, linh hoạt trong phương thức hoạt động đã giúp cho các cấp công đoàn đạt được những kết quả cao trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.
Việc đổi mới nội dung vận động, linh hoạt trong phương thức hoạt động đã giúp cho các cấp công đoàn (CĐ) đạt được những kết quả cao trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐ cơ sở.
Đa dạng phương thức vận động
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, hàng năm, LĐLĐ tỉnh đều đề ra các giải pháp cụ thể, đổi mới nội dung hoạt động, đa dạng hóa phương thức vận động cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, LĐLĐ hướng hoạt động về cơ sở, tạo được niềm tin cho người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN) khi thành lập tổ chức CĐ. Nhờ đó, đến nay, các cấp CĐ đã thành lập được 1.440 CĐ cơ sở và phát triển hơn 83.000 đoàn viên. Năm 2014, có 65,4% CĐ đạt vững mạnh xuất sắc, 19% vững mạnh…
Nhờ thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá, ngư dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau |
Để phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức CĐ cơ sở tại các đơn vị, DN có từ 10 lao động trở lên, LĐLĐ tỉnh thường xuyên khảo sát, nắm tình hình DN đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ. Từ đó, đưa ra biện pháp phù hợp để vận động đơn vị, DN thành lập tổ chức CĐ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH một thành viên Seabery Products (100% vốn Na Uy, Khu công nghiệp Suối Dầu) cho biết: “Qua sự vận động của CĐ các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tỉnh và thấy được sự cần thiết phải thành lập tổ chức CĐ nên đầu năm 2015, công ty đã thành lập tổ chức CĐ với 55 đoàn viên. Việc này đã góp phần nâng cao sự chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ; giáo dục, động viên công nhân phát huy vai trò làm chủ, thực hiện nghĩa vụ công dân”.
Ông Trần Văn Lý - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: CĐ Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, đặc biệt là trong DN ngoài nhà nước; tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ; quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ CĐ, đặc biệt là cán bộ CĐ cơ sở … |
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy, những năm gần đây, LĐLĐ tỉnh còn mở rộng việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá và phát triển đoàn viên là ngư dân. Từ năm 2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã thành lập 4 nghiệp đoàn nghề cá với hơn 500 đoàn viên là ngư dân và chủ tàu cá. Ông Lê Trọng Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) cho biết, từ ngày thành lập nghiệp đoàn đến nay, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân không còn đơn lẻ mà hoạt động thành tổ, đội, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau như: thông báo những vị trí có nhiều cá để cùng đánh bắt, bảo vệ lẫn nhau khi bị tàu lạ uy hiếp cướp ngư cụ, cướp cá... Việc tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mỗi đoàn viên. Theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thời gian tới, các cấp CĐ trong tỉnh sẽ tiến hành khảo sát để nhân rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá ở những địa phương có ngư dân sinh sống.
Chú trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ
Khi CĐ cơ sở được thành lập, LĐLĐ tỉnh dồn sức củng cố hoạt động và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, ưu tiên kỹ năng thương thảo và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Mỗi năm, các cấp CĐ mở trung bình 200 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐ. Việc làm này đã giúp đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở tự tin hơn khi thực hiện vai trò đại diện, nâng cao uy tín của CĐ tại các đơn vị, DN. Khi có tổ chức CĐ, hoạt động đối thoại với DN sẽ diễn ra bài bản, sớm giải tỏa bức xúc của công nhân. Qua đối thoại, DN không chỉ hiểu hơn về CĐ mà còn chủ động chăm sóc đời sống NLĐ sâu sát hơn. Các lớp phổ biến pháp luật cho công nhân cũng được CĐ mở thường xuyên, giúp NLĐ hiểu và hành xử đúng luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở có đủ khả năng giải quyết các tình huống phát sinh trong quan hệ lao động...
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, hiện nay, tỉnh còn 567 DN có từ 10 lao động trở lên chưa thành lập tổ chức CĐ cơ sở. CĐ tỉnh phấn đấu đến năm 2017 có 90% NLĐ là đoàn viên CĐ; đảm bảo 90% trở lên số đơn vị, DN có 30 lao động trở lên thành lập tổ chức CĐ cơ sở. |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình thành lập tổ chức CĐ cơ sở, phát triển đoàn viên vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Hòa nhìn nhận: “Khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở khu vực DN ngoài nhà nước, cán bộ CĐ cơ sở trong DN cũng là người làm thuê, phải chịu nhiều áp lực về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, các quyền lợi khác đều phụ thuộc người sử dụng lao động. Do đó, họ ngại va chạm khi đứng ra đấu tranh cho quyền lợi của CĐ và NLĐ. Bên cạnh đó, một số DN thiếu thiện chí, tìm mọi cách né tránh, trì hoãn việc thành lập CĐ cơ sở. Hiện nay, do phần lớn CĐ cơ sở khu vực ngoài nhà nước chưa có tổ chức đảng nên CĐ còn đơn độc trong tập hợp lực lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao...”.
Nghị quyết Đại hội IX CĐ tỉnh (nhiệm kỳ 2013 - 2018) đã đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2018 kết nạp mới từ 18.000 đến 22.000 đoàn viên, thành lập từ 250 đến 280 CĐ cơ sở; 100% cơ quan, đơn vị, DN (từ 20 lao động trở lên) thành lập tổ chức CĐ, 75% NLĐ trong DN gia nhập tổ chức CĐ. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, rất cần nỗ lực từ phía CĐ các cấp, thiện chí của DN, sự đồng thuận của NLĐ. Mặt khác, việc thành lập CĐ cơ sở và phát triển đoàn viên là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự linh hoạt trong cách thức, nội dung tuyên truyền, thuyết phục, đặc biệt là coi trọng việc vận động người sử dụng lao động hiểu về tổ chức CĐ để họ đồng tình, tạo điều kiện hỗ trợ; thành lập CĐ cơ sở phải đi đôi với xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ tâm huyết, thạo việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động để công nhân có tiếng nói tác động đến người sử dụng lao động trong việc thành lập tổ chức CĐ.
VĂN GIANG