07:06, 05/06/2015

Đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp: Lợi ích kép

Một trong những vấn đề cấp bách của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay là đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề cấp bách của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay là đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên (HS-SV) tốt nghiệp các trường nghề lại không tìm được việc làm, nếu có thì DN phải tốn nhiều thời gian, chi phí đào tạo lại.


Cần sự phối hợp


Bất cập trên không phải bây giờ mới diễn ra, mà đã tồn tại nhiều năm nay. Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là chương trình đào tạo của các trường nghề bị khống chế bởi chương trình khung, giáo trình chưa phù hợp với người học và chưa đáp ứng được sự phát triển của DN. Một giám sát dự án của các tòa nhà cao tầng, khách sạn tại TP. Nha Trang chia sẻ, trong số nhiều SV mới ra trường mà anh tiếp xúc, rất ít người đọc được các bản vẽ kỹ thuật, việc triển khai bản vẽ để thi công lại càng khó. Điều này cho thấy công tác đào tạo mới chỉ dựa theo giáo trình khung chứ chưa bám sát với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.

 

Sinh viên trường Cao đẳng nghề Nha Trang trong giờ thực hành
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Nha Trang trong giờ thực hành


Trước thực trạng đó, đào tạo nghề gắn kết với DN là giải pháp cần đẩy mạnh. Theo ông Hồ Phước Hoàng (Phòng Đào tạo - Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang), điều này sẽ tạo ra lợi ích kép: Một mặt, chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do DN đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho HS-SV môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của HS-SV khi ra trường. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các DN sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang trong giờ thực hành.

 


Tích lũy kinh nghiệm cho  sinh viên

 

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015), nhà nước không ban hành chương trình đào tạo khung mà giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình. DN cũng có quyền tham gia xây dựng danh mục nghề, khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, giám sát chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Để đạt được lợi ích trên, nội dung chương trình, giáo trình đào tạo nghề phải được thay đổi. Thời gian qua, một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã rà soát, điều chỉnh chương trình, môn học, giáo trình hướng đến nhu cầu thực tế tại DN và cập nhật xu hướng mới trong khoa học công nghệ; mời DN tham gia xây dựng các giáo trình, môn học phù hợp với yêu cầu của DN. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo đã giảm bớt thời lượng lý thuyết để dành nhiều thời gian cho thực hành; lấy ý kiến phản hồi của HS-SV về hoạt động giảng dạy và sau khi ra trường, đi làm. Tuy nhiên, để gắn kết với DN hơn nữa, theo ông Lê Đức Trấn Biên - Giám đốc Nhà hàng khách sạn Đèn Lồng Đỏ (Nha Trang), hội SV, tổ chức đoàn thanh niên ở các trường có thể tổ chức các nhóm SV tham gia hợp đồng ngắn hạn tại DN trong suốt quá trình học tập. Quá trình vừa học vừa làm đó sẽ tích lũy cho SV nhiều kinh nghiệm để thuyết phục nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, cần tăng thời gian thực tập của SV tại DN để SV được thực hành nhiều hơn. Còn theo ông Đoàn Văn Phước - Trưởng bộ phận nhân sự Công ty Cổ phần H&T (Nha Trang), ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cũng cần lưu ý bồi dưỡng kỹ năng “mềm” cho HS-SV khi tìm việc làm và kỹ năng giao tiếp trong DN. Ông Trần Công Truyền - Giám đốc Công ty TNHH Cát Phú (Nha Trang) cho rằng, nhà trường và DN cần có mối liên kết thường xuyên, tạo điều kiện cho SV của trường qua DN thực tập, chuyên viên kỹ thuật của DN qua trường hỗ trợ SV. DN sẵn sàng bỏ vốn để phối hợp cùng nhà trường đào tạo đội ngũ người lao động đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng thực hành…


H.NGÂN

 


Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 69 cơ sở đào tạo nghề. Hàng năm, các cơ sở đào tạo nghề cho khoảng 24.000 người. Tỷ lệ người lao động làm việc tại các DN đã qua đào tạo đạt 70%. Hiện các DN có nhu cầu cần nhiều lao động phổ thông, đồng thời chú trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Năm 2015, nhu cầu nhân lực ở nhóm ngành marketing - kinh doanh - thương mại, điện - điện tử, cơ khí - luyện kim - ô tô dự kiến tăng 15 - 30% so với năm 2014 trong khi nguồn cung thấp. Ngược lại, nhóm ngành kế toán - tài chính - ngân hàng dự kiến nguồn cung tăng trong khi cầu thấp. Một số ngành khác cung vượt cầu là: quản lý - văn phòng, ngoại ngữ, y tế - chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin - viễn thông…