Là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, với lực lượng tàu, thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản hơn 10.000 chiếc, Khánh Hòa được trung ương phân bổ đóng mới 120 chiếc tàu khai thác xa bờ và 15 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khi triển khai Nghị định 67/2014...
Là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, với lực lượng tàu, thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản hơn 10.000 chiếc, Khánh Hòa được trung ương phân bổ đóng mới 120 chiếc tàu khai thác xa bờ và 15 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khi triển khai Nghị định 67/2014 của Chính phủ (NĐ 67). Tuy nhiên, sự khởi động mạnh mẽ này không song hành với những gì chính quyền địa phương và ngư dân mong đợi.
Nhiều vướng mắc
|
Tàu mẫu bằng vật liệu composite do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang thiết kế. |
Khánh Hòa là một trong 5 tỉnh có số tàu đóng mới nhiều nhất, là địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lựa chọn làm địa điểm mở hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện NĐ 67 vào tháng 8 năm ngoái. Thế nhưng, một thời gian dài các cơ quan chức năng trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành nghị định; đến khi có thì vẫn còn nhiều bất cập. Các thông tư hướng dẫn chưa có quy định đóng mới hoặc nâng cấp tàu dịch vụ thủy sản bằng vật liệu composite; 21 mẫu tàu vỏ thép do Bộ NN-PTNT đưa ra chưa đáp ứng với thị hiếu của ngư dân. Đồng thời, vốn đối ứng của ngư dân phải đảm bảo khi đóng tàu vỏ thép quá cao, họ không thể kham nổi; hướng dẫn của Bộ Tài chính về các điều kiện nâng cấp tàu cá để được hưởng chính sách tín dụng của NĐ 67 còn nhiều hạn chế...
Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt 20 chủ tàu cá có đủ điều kiện vay tổng số vốn 187 tỷ đồng từ các ngân hàng để đóng mới, nâng cấp tàu theo NĐ 67. Nhưng những vướng mắc nói trên khiến ngư dân, các ngành quản lý, kể cả các ngân hàng ở Khánh Hòa cứ giậm chân tại chỗ. Để tháo gỡ, UBND tỉnh phải ban hành những quy định tạm thời về trình tự thủ tục đăng ký, xác nhận, thẩm định... để làm cơ sở triển khai.
Cố gắng vượt qua những rào cản, ngày 20-5, được sự hỗ trợ tích cực của Sở NN-PTNT, Vietcombank Nha Trang đã ký kết hợp đồng cho ngư dân Dương Văn Quang ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang vay gần 5 tỷ đồng để đóng mới một tàu đánh bắt xa bờ theo NĐ 67. Đây là hợp đồng tín dụng đầu tiên ở Khánh Hòa thực hiện theo nghị định này. Anh Quang cho biết, số tiền trên anh sẽ đóng mới tàu có công suất máy 405CV, vật liệu vỏ tàu bằng composite, do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy - Trường Đại học Nha Trang thực hiện với tổng giá trị hơn 5,5 tỷ đồng.
Giá thành cao, ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư
So với nhiều địa phương, ngư dân Khánh Hòa thuận lợi trong việc đóng mới, nâng cấp tàu, khi trên địa bàn có nhiều cơ sở đóng tàu, kể cả tàu thép và tàu composite. Tuy nhiên, giá thành của cả hai loại tàu này khá cao nên xu hướng của ngư dân chỉ muốn nâng cấp tàu cũ đang sở hữu, đáp ứng công suất máy tàu và trang bị mới ngư lưới cụ. Vì vậy, tuy được phân bổ tiêu chuẩn đóng mới 120 tàu nhưng ngư dân trong tỉnh chỉ đăng ký đóng mới 71 tàu, xin cải hoán, nâng cấp 199 tàu. Tổng số vốn đăng ký vay hơn 1.120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương lúng túng trong xác nhận điều kiện cho ngư dân vay vốn, nhất là ở khâu đánh giá hiệu quả sản xuất. Vì lâu nay, hiệu quả sản xuất chỉ có gia đình ngư dân biết, không phải khai báo.
Năm ngoái, Công ty Yanmar của Nhật Bản đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang thiết kế một mẫu tàu composite chuyên câu cá ngừ đại dương, công suất máy 350CV. Tuy nhiên, giá thành của con tàu này vẫn được giữ kín, khiến nhiều ngư dân chưa mạnh dạn nghĩ đến đóng mới tàu composite. So với cả nước, ngư dân Khánh Hòa lâu nay đã đóng hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ bằng vỏ composite. Mặc dù vậy, những ưu điểm về giá cả, tính năng cũng như chất lượng tàu vỏ composite vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Trường hợp của anh Dương Văn Quang với những số liệu cụ thể về con tàu đóng mới trị giá hơn 5,5 tỷ đồng có vẻ như là trường hợp ngoại lệ. Tìm hiểu mới biết anh Quang đang sở hữu một chiếc tàu composite có công suất trên 600CV với nghề lưới vây, nên anh mới tường tận tính khả thi và mạnh dạn vay vốn để thực hiện con tàu thứ hai này.
Đối với tàu vỏ thép, các công ty đóng tàu cũng sốt ruột không kém ngư dân. Những vướng mắc trong việc thực hiện NĐ 67 khiến cho kế hoạch đóng tàu theo chương trình này ở Khánh Hòa của các doanh nghiệp (DN) cũng không mấy khả quan. Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang đã đóng một tàu mẫu cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, hạ thủy hồi giữa năm 2014 và hiện đã có những chuyến ra biển lớn hiệu quả. Cách đây mấy hôm, DN này cũng bàn giao thêm hai 2 tàu vỏ thép cho ngư dân Quảng Ngãi. Từ khi NĐ 67 có hiệu lực, công ty đã hợp tác với nhiều chuyên gia xây dựng mẫu tàu phù hợp với nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân, tích cực tiếp cận ngư dân nắm bắt yêu cầu. Tuy nhiên, việc phải chờ đợi khá lâu đã khiến mục tiêu trọng tâm của công ty trong năm 2015 là tham gia đóng hàng chục tàu vỏ thép cho ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, có thể sẽ phải điều chỉnh theo hướng giảm.
Những vướng mắc thực tế trong quá trình triển khai NĐ 67 đã được UBND tỉnh báo cáo, đề xuất với Bộ NN-PTNT. Đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục nắm bắt yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; các ngân hàng nên tích cực tiếp cận ngư dân hơn, các DN cung ứng đóng tàu nên chuẩn bị tốt các khâu để đảm bảo việc đóng tàu cho ngư dân đạt chất lượng...
Tiên Minh