Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt kết quả đáng khích lệ, làm nền tảng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt kết quả đáng khích lệ, làm nền tảng đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
TP. Nha Trang phát triển là động lực để Khánh Hòa phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. (ảnh: PHONG NHA TRANG) |
Diện mạo mới cho các đô thị
Tính từ thời điểm chương trình được phê duyệt đến nay, tổng số tiền đã giải ngân để thực hiện các đồ án gần 12.000 tỷ đồng. Nhìn chung, tình hình thực hiện tại các địa phương còn chậm do thiếu nguồn vốn, nhưng cũng có một vài địa phương được quan tâm bố trí vốn thực hiện công tác lập quy hoạch và đầu tư xây dựng nên bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, tiêu biểu là TP. Nha Trang. Theo Sở Xây dựng, ngoài sử dụng ngân sách để thực hiện lập quy hoạch, việc huy động nguồn vốn doanh nghiệp đã được quan tâm triển khai như: Cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ tài chính - du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ), quy hoạch khu đô thị (KĐT) và trung tâm hành chính tỉnh, quy hoạch KĐT dọc đường Nha Trang - Diên Khánh, quy hoạch KĐT ven biển vịnh Cam Ranh... Gần đây nhất là cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu trung tâm hành chính tỉnh do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện.
Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, một số dự án mang tính chiến lược đã và đang được triển khai như: Dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, đường Phong Châu, dự án thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến Sông Tắc, đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh, cơ sở hạ tầng các khu tái định cư tại Ninh Hòa... Ngoài ra, hiện nay tại TP. Nha Trang, nhiều dự án xây dựng nhà ở, KĐT đã và đang được triển khai, mang lại diện mạo mới cho đô thị ven biển. Cụ thể, KĐT Vĩnh Điềm Trung với diện tích 36,85ha đã đưa vào kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho một lượng lớn dân cư đô thị; KĐT mới Phước Long với diện tích hơn 48ha; Chung cư cao cấp Bãi Dương; KĐT Mỹ Gia... Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội như Chung cư An Thịnh, Chung cư An Bình... cũng đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng. “Qua 4 năm triển khai xây dựng, tuy còn gặp một số khó khăn nhưng xét về tổng thể, Khánh Hòa đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã giao Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của một số đô thị, lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực thuộc địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh nhằm thúc đẩy đầu tư, quản lý xây dựng và phủ kín quy hoạch”, ông Dẽ nhận xét.
Hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương
Toàn tỉnh hiện có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại 1 là TP. Nha Trang; 1 đô thị loại 3 là TP. Cam Ranh; 3 đô thị loại 4 gồm thị xã Ninh Hòa, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) và thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh); 4 đô thị loại 5 gồm thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh), thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) và thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa). 3 khu vực xã được công nhận chuẩn đô thị loại 5 gồm xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh), xã Suối Tân (huyện Cam Lâm) và xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh).
|
Nhằm góp phần thực hiện phát triển đô thị Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa tỉnh trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, theo ông Dẽ, cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn tỉnh; kêu gọi vốn đầu tư vào Cảng Nha Trang, Cảng Ba Ngòi và các giai đoạn của Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong...
Theo đồng chí Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong các tháng còn lại của năm 2015, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời lập kế hoạch triển khai Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn mới, Sở Xây dựng cần phối hợp cùng một số sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại chất lượng đô thị hiện nay để đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể. “Khi xây dựng kế hoạch đầu tư cần xác định công trình nào mang tính động lực phát triển cho địa phương thì ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên mọi lĩnh vực; đồng thời cố gắng tiếp cận được một số nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư phát triển”, đồng chí Lê Đức Vinh nhấn mạnh.
NHẬT THANH