08:12, 25/12/2014

Cần gắn với nhu cầu thực tế

Bên cạnh cung cấp kỹ thuật mới, tiến bộ khoa học công nghệ, những lớp dạy nghề cho nông dân cần gắn với nhu cầu thực tế của người học và thị trường.

Bên cạnh cung cấp kỹ thuật mới, tiến bộ khoa học công nghệ, những lớp dạy nghề cho nông dân cần gắn với nhu cầu thực tế của người học và thị trường.

 

Dạy nghề cho nông dân cần gắn với nhu cầu thực tế.
Dạy nghề cho nông dân cần gắn với nhu cầu thực tế.


Hiệu quả từ việc học nghề


Sau hơn 3 tháng tham gia lớp học nghề thú y, 26 nông dân xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) đã nhận được chứng chỉ của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh). Tuy nhiên, điều quan trọng đối với nông dân là ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất như thế nào. Trong quá trình tham gia lớp nghề thú y, bà Nguyễn Thị Liên (xã Cam Phước Đông) đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc để ấp trứng, bán gà con cho người dân địa phương. Bà Liên chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng chăn nuôi gà nhưng chủ yếu theo tập quán cũ chứ chưa biết quy trình ấp nở, tiêm chủng vắc xin nên gà thường hay dịch bệnh, chậm lớn. Từ những kiến thức của lớp học nghề, tôi đã đầu tư máy móc để nuôi gà với quy mô lớn hơn, áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật mới”.


Trong một số nghề mà Hội Nông dân xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) giới thiệu để nông dân đăng ký học, anh Nguyễn Văn Hiếu đã chọn lớp dạy nghề trồng rau sạch. Gia đình anh Hiếu có hơn 3 sào đất vườn, gần trung tâm TP. Nha Trang - thị trường tiêu thụ rau quả lớn... Do đó, nghề trồng rau rất phù hợp với điều kiện gia đình anh. “Có rất nhiều nghề mà nông dân có thể học để nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, chọn nghề nào vừa phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương và nhu cầu thị trường là điều quan trọng. Học xong, không áp dụng được vào sản xuất sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của cả người học và đơn vị dạy nghề”, anh Hiếu nói.


Những mô hình sản xuất mới được hình thành sau quá trình học nghề như của bà Liên, anh Hiếu hiện nay rất phổ biến. Không chỉ vậy, nhiều nông dân đã hình thành các tổ liên kết nhằm giúp nhau về vốn, kiến thức, tiêu thụ nông sản... 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập được 12 tổ liên kết sau học nghề. Các tổ đều nhận được sự hỗ trợ tích cực về vốn vay từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh); được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và tiếp cận với các kênh bán hàng ổn định. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 70 lớp nghề, thu hút hơn 2.000 học viên nông dân tham gia. Kết quả, gần 81% học viên có việc làm sau đào tạo và có thể áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất. Điều này cho thấy hiệu quả tích cực của công tác dạy nghề cho nông dân.


Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề


Tuy nhiên, hiện nay, công tác dạy nghề cho nông dân vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Một số nghề đào tạo không gắn với nhu cầu thị trường nên số học viên có việc làm sau đào tạo chưa cao. Điển hình là nghề nấu ăn. Năm 2010 - 2011, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức một số lớp nấu ăn tại TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa. Tuy số người có nhu cầu học khá lớn nhưng người có việc làm sau đào tạo rất ít. Năm 2011, lớp học nấu ăn ở phường Ninh Diêm (Ninh Hòa) có 27 người học nhưng chỉ 13 người có việc làm sau đào tạo; xã Ninh Quang có 24 người học nhưng chỉ 14 người có việc làm... Nhận thấy thực trạng này, những năm gần đây, Trung tâm không tổ chức các lớp dạy nấu ăn. Ông Lê Quốc Toàn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc dạy nghề cho nông dân, thời gian qua, việc tư vấn, giám sát của các cấp Hội Nông dân có lúc chưa chủ động, thiếu kỹ năng tư vấn chọn nghề phù hợp cho nông dân. Một số lớp học nghề chưa gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp; có lớp giải quyết được việc làm nhưng lại khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học và thực hành cho học viên còn hạn chế”. Để giải quyết thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân. Trong đó, chú trọng việc dạy nghề gắn với hình thành tổ hợp tác sản xuất; liên kết với các ngân hàng hỗ trợ vốn; sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân; ký kết với các siêu thị và đơn vị tiêu thụ... nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất.   


MAI HOÀNG