11:05, 31/05/2013

Đời thợ cầu đường

“Đẹp mãi những con đường, những cây cầu…/Thương lắm người công nhân giàu tâm huyết…/Quên cả thời gian tảo tần mưa nắng”- ca từ trong bài hát “Đẹp mãi những con đường” do Minh Hoàn sáng tác như một lời tri ân đối với sự hy sinh thầm lặng của người thợ cầu đường.

“Đẹp mãi những con đường, những cây cầu…/Thương lắm người công nhân giàu tâm huyết…/Quên cả thời gian tảo tần mưa nắng”- ca từ trong bài hát “Đẹp mãi những con đường” do Minh Hoàn sáng tác như một lời tri ân đối với sự hy sinh thầm lặng của người thợ cầu đường. Đằng sau các công trình xây dựng là bộn bề gian khổ mưu sinh…


Buồn vui theo những công trình


Dưới cái nắng tháng 5 gay gắt, chúng tôi có cảm giác như con đường 16-7 - đoạn đang thi công tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị nung lên, bốc khói. Mỗi lần xe chạy qua, những đợt bụi theo làn gió liên tiếp ùa đến chỗ công nhân (CN) làm đường, nhưng họ vẫn không ngơi tay với công việc...

 

Mặt trời nắng như thiêu đốt, nhưng những công nhân làm đường vẫn miệt mài làm việc.
Mặt trời nắng như thiêu đốt, nhưng những công nhân làm đường vẫn miệt mài làm việc.


Nhìn khuôn mặt rám nắng và đôi bàn tay chai sần mới thấy hết cực nhọc của những người thợ cầu đường. Quan sát hồi lâu, tôi ấn tượng nhất với anh thợ có dáng vẻ phong trần, không mũ, không khẩu trang, không áo dài tay, cả buổi mải vung búa chí chát nơi góc đường. Anh tên là Nguyễn Đình Trường (38 tuổi, ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa). Anh cho biết: “Suốt ngày “bám đường” nên chẳng cô nào yêu, vì thế đến nay, tôi vẫn chưa lập gia đình. Làm nghề cực nhọc nhưng mỗi ngày, tôi chỉ kiếm được 150.000 đồng để nuôi thân và phụ bố mẹ”. Trong bộ quần áo nhem nhuốc vì bụi, ông Nguyễn Dãy (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) trông già hơn tuổi 54 của mình. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng, bởi ông Dãy hết bận xách nước đổ vào máy trộn, lại đẩy xe hồ. Với tiền công 130.000 đồng/ngày, ông Dãy phải lo thuốc thang cho người vợ bị liệt. Các con ông đã lập gia đình, đều khó khăn nên không phụ được cha mẹ. Vất vả là vậy nhưng ông Dãy không hề than vãn…

 

Ông Trần Bảo Tình - cán bộ kỹ thuật thi công công trình Cầu Mới (huyện Diên Khánh), Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 510: Công ty trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho CN. Tại hiện trường, có đội kiểm tra an toàn lao động túc trực để nhắc nhở CN thi công đảm bảo an toàn. Bình quân, thợ cầu đường làm 8 giờ/ngày, khi tăng ca có thêm tiền ngoài giờ và chi phí hỗ trợ tiền làm ca đêm. Thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty tổ chức khám sức khỏe cho CN 2 lần/năm…

Quanh năm sinh hoạt tạm bợ trong các lán trại, cuộc sống của những người thợ đến từ các địa phương khác càng khó khăn gấp bội. Cả năm, họ sống với vôi vữa, bê tông, cốt thép và chỉ về thăm nhà dăm ba lần vào những ngày giỗ, Tết. Có dịp đến Cầu Mới (thị trấn Diên Khánh) - nơi công trình cầu Sông Cái đang thi công, tôi càng thấm thía nỗi vất vả của CN làm cầu. Ngồi trong lán trại của CN chỉ vài phút, cái nóng hầm hập từ mái tôn hắt xuống khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Chính vì thế mà sau bữa trưa, các CN ở đây tự trốn nóng bằng cách mang võng, chiếu đi tìm chỗ mát để ngủ. Trong lán, chỉ có chiếc ti vi là vật giá trị nhất. Giường CN nằm là những tấm ván ghép lại. Hơn 4 năm theo nghề cầu đường, anh Nguyễn Văn Hòa (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết: “Hầu hết thợ cầu đường đều xuất thân từ nông dân, cuộc sống khó khăn, học vấn thấp. Gia đình tôi có 3 người, đều trông cậy vào mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh nên tôi đành đi làm ăn xa để có tiền gửi về nhà. Nghề làm cầu phải bám công trình, xa nhà nên nhiều lúc nhớ vợ da diết, thèm bữa cơm gia đình, thế nhưng cả năm, tôi chỉ về thăm nhà được 2 lần. Mỗi tháng kiếm được khoảng 4 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện, tôi gửi về nhà 3 triệu đồng”.


Cực nhọc là vậy, nhưng đôi lúc, những CN cầu đường cũng tìm thấy niềm vui. Đó là khi anh em quây quần bên mâm cơm, hàn huyên tâm sự, hay mỗi khi công trình hoàn thành. Ông Lê Văn Lâm (50 tuổi, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) nói với vẻ tự hào: “Đâu phải ai cũng được sống như dân cầu đường. Hơn 15 năm theo nghiệp cầu đường, mỗi khi công trình hoàn thành, tôi rất vui”. Tuy nghề cầu đường nặng nhọc nhưng nay đã có máy móc, công nghệ hỗ trợ nên CN đỡ vất vả hơn trước. Tiếp xúc với nhiều người thợ, được biết, thu nhập của họ hiện đã phần nào cải thiện. Thợ chính có tiền công từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày; thợ phụ từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Mỗi ngày, những người thợ làm 8 giờ, nếu tăng ca sẽ có thêm một khoản tiền khác. Với mức thu nhập như vậy, họ phần nào lo toan được cuộc sống gia đình.


Đối mặt với nhiều rủi ro  

 

Trộn hồ rất bụi, nhưng công nhân vẫn không đeo khẩu trang.
Trộn hồ rất bụi, nhưng công nhân vẫn không đeo khẩu trang.


CN cầu đường luôn đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm nguy của nghề. Cách đây khoảng 1 tháng, trong lúc hạ cống thoát nước, anh Nguyễn Đình Trường không may bị dập tay chảy máu, phải may 4 mũi; còn anh Lâm Hữu Thành (42 tuổi, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) bị thành cống va vào đầu, xây xẩm mặt mày. Như hiểu được e ngại của tôi, anh Thành cười xuề: “Anh em làm nghề này đều phải chấp nhận rủi ro; đạp đinh, xây xát chân tay là chuyện cơm bữa”. 42 tuổi đời, anh Thành đã có 15 năm tuổi nghề. Ngồi trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng mắt anh nhíu lại vì đau. Anh tâm sự: “Suốt ngày hứng bụi, mắt, mũi làm sao chịu nổi? Dần dần, thị lực giảm đi, bệnh viêm xoang ngày càng nặng”. Hì hục đẩy xe rùa, chị Nguyễn Thị Ơn (35 tuổi, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) trầm giọng: “Cách đây gần 1 tuần, trong lúc vận chuyển hồ, không may xe rùa ngã làm tôi bầm tím người”.


So với CN làm đường, thợ làm cầu càng gặp nhiều rủi ro hơn. “Tuy đã có kinh nghiệm, nhưng nhiều lúc đứng ở độ cao 20 - 30m, tôi vẫn thấy sợ, đôi lúc cũng nghĩ đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng vì tương lai các con, tôi không thể nghỉ làm”, ông Lâm chia sẻ.


Mong ước bình dị

 

Bữa cơm đạm bạc của công nhân làm Cầu Mới (huyện Diên Khánh).
Bữa cơm đạm bạc của công nhân làm Cầu Mới (huyện Diên Khánh).


Hơn 11 giờ, các thợ cầu đường mới thu dọn đồ nghề để ăn bữa trưa đạm bạc. Mang theo cà mèn cơm với vài con cá kho, rau xào, ăn được phân nửa, anh Lâm Hữu Thành và vài người khác bỏ ngang vì mệt. Sau bữa cơm, những người thợ tìm đến gốc cây để nghỉ ngơi. Thi thoảng, tôi nghe họ cười nói rôm rả. Trong câu chuyện của họ, tôi thấy được những ước mơ rất bình dị. Anh Thành mong sớm nhận lương để mua cho con gái chiếc xe đạp điện, đi học đỡ cực; anh Đào Thanh Phong muốn có tiền để sửa nhà…
Kết thúc cuộc điện thoại với vợ, gương mặt anh Nguyễn Văn Hòa thoáng chút âu lo. Thì ra, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, vợ anh sinh con. Anh Hòa trầm giọng: “Ở nhà đông anh em, họ hàng, nhưng tôi vẫn không yên tâm. Tôi mong gom đủ tiền để về thăm vợ”. Tuy cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng trong suy nghĩ của những người thợ cầu đường đều chất chứa ước mong đời con của họ sẽ được học hành đến nơi đến chốn. “Khỏe ngày nào thì gắng ngày đó, túng thiếu quá thì vay mượn bà con, bạn bè rồi trả dần. Chỉ mong các con học hành thành đạt để lớn lên không phải theo nghiệp làm cầu đường như mình”, ông Lâm suy nghĩ. Ngồi cạnh bố, em Lê Ngọc Hoàng (18 tuổi) cho biết: “Tranh thủ nghỉ hè, em theo bố đi làm cầu. Em mong kiếm ít tiền để mua sách vở, đóng học phí cho năm học mới”.


Chia tay những người thợ cầu đường khi mặt trời vừa tắt, tôi thầm cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của họ cho các công trình.


K.T