Từ cô thợ may tật nguyền trở thành vận động viên, từ anh thợ hàn bỗng thành nhà vô địch cử tạ Đông Nam Á, một nông dân gặt hái liên tiếp 6 Huy chương Vàng giải điền kinh quốc gia. Những chuyện tưởng như cổ tích đó được viết nên từ Câu lạc bộ Thể hình, Thẩm mỹ Vĩnh Hải…
Từ cô thợ may tật nguyền trở thành vận động viên (VĐV), từ anh thợ hàn bỗng thành nhà vô địch cử tạ Đông Nam Á, một nông dân gặt hái liên tiếp 6 Huy chương Vàng giải điền kinh quốc gia. Những chuyện tưởng như cổ tích đó được viết nên từ Câu lạc bộ Thể hình, Thẩm mỹ Vĩnh Hải (CLBTHTM)…
Cuộc đời đã sang trang
Tuy mới 14 giờ nhưng không khí tập luyện ở CLBTHTM Vĩnh Hải (lô F17, khu A chợ Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) khá rộn ràng. Bên cạnh những VĐV thể hình cuồn cuộn cơ bắp, ở một góc phòng tập, có một nhóm người khuyết tật đang mướt mồ hôi bên những quả tạ nặng hàng trăm kg. Đó là những VĐV cử tạ và điền kinh đang chuẩn bị cho giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc. Trong số 7 VĐV đang tập luyện, có đến 6 người bị bại liệt chân, 1 VĐV bị liệt tay. Tuy vậy, các thao tác nâng tạ của họ rất chuyên nghiệp.
Nhà vô địch cử tạ Đông Nam Á Trịnh Thanh Xuân thường tranh thủ may đồ kiếm tiền. |
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng tôi trò chuyện với các VĐV. Lê Thị Anh Nga (sinh năm 1994, quê ở Cam An Nam, Cam Lâm) hồn nhiên trải lòng: “Mới 4 tháng tuổi, đôi chân em đã không còn lành lặn. Cơn sốt ác tính làm chân em vĩnh viễn bị tàn phế. Suốt những năm tháng học tiểu học, con đường đến trường là cực hình đối với em. Đầu gối luôn bị tứa máu do phải thường xuyên lê lết. Tuổi thơ em luôn sống trong sự tự ti, thậm chí còn bị bạn bè kỳ thị. Cuộc đời trước mắt luôn là cái vòng luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát...”. Hồi tưởng về những năm tháng đã qua, nước mắt Nga cứ lăn dài trên má. Phải một lúc sau, sự rạng ngời mới trở lại trên gương mặt cô thiếu nữ 18: “Năm 2011, tình cờ gặp vợ chồng thầy Quang Nhật Mạnh tại chợ Vĩnh Hải, cuộc đời em mới bước sang trang mới. Thầy đã động viên em tham gia CLBTHTM Vĩnh Hải. Từ đó, em được hòa nhập với cộng đồng, được chơi thể thao với người lành lặn. Chưa bao giờ, em thấy cuộc đời hạnh phúc như thế, hưng phấn như thế. CLBTHTM và các anh chị khuyết tật khác đã động viên, giúp đỡ em rất nhiều. Chỉ 3 tháng sau khi tập luyện môn cử tạ em đã giành Huy chương (HC) Vàng tại giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc ở hạng 44kg”.
Thấy sự sôi nổi của cô em Lê Thị Anh Nga, chị cả Đinh Thị Ngà (trú Vĩnh Thọ, Nha Trang) tiếp chuyện: “Ở đây, chúng tôi sống như một gia đình. Ngay từ năm 2004, khi được thầy Mạnh động viên tập môn cử tạ, cuộc đời tôi đã sang trang. Từ chỗ luôn mặc cảm về số phận, tôi đã tự tin hơn, đạt được những thành tích cao trong thể thao…”. Nhìn nụ cười thật tươi của một VĐV đã ngoài 40 tuổi, chúng tôi cảm nhận, đúng là thể thao đã thay đổi cuộc đời họ. Trước khi được HLV Quang Nhật Mạnh giúp đỡ, đa phần những VĐV khuyết tật không có việc làm ổn định, nhưng nay, các VĐV đã có mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, đủ để tự lo cho bản thân và gia đình.
Các vận động viên trao đổi với huấn luyện viên trong giờ giải lao. |
Hạnh phúc nối tiếp thành công
Nói đến những thành công của ngày hôm nay, tất cả các VĐV đều không quên dành sự biết ơn và kính trọng đối với Huấn luyện viên (HLV) Quang Nhật Mạnh. Khi được thầy Mạnh phát hiện và đưa về CLBTHTM Vĩnh Hải tập luyện, ai cũng chỉ nghĩ đơn giản, tập luyện để có sức khỏe, có cơ hội giao lưu với cộng đồng. Nhưng còn hơn thế, họ đã tìm thấy ở đây không khí của gia đình. Các VĐV không phải đóng các khoản chi phí tập luyện, hàng tháng được gia đình thầy Mạnh hỗ trợ dinh dưỡng thể thao (khoảng 250 ngàn đồng, trước đây, khi gia đình thầy Mạnh còn điều kiện, mỗi VĐV được giúp đỡ 300 ngàn đồng/tháng). Nói về “cô gái vàng” Đinh Thị Ngà, HLV Quang Nhật Mạnh đầy tự hào: “Năm nay 42 tuổi nhưng VĐV này vẫn còn tiếp tục thi đấu đỉnh cao. Tuy đến với môn cử tạ khá muộn, nhưng ở chị có một nghị lực phi thường. Đã thi đấu là có HC, Ngà từng đoạt HC Đồng tại Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2006, HC Bạc Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2007, 2 HC Vàng tại Para Games 3 ở Thái Lan năm 2008...”.
“Cô gái vàng” Đinh Thị Ngà đang chăm chỉ luyện tập. |
Tuy mọi người đều tình cờ đến với thể thao, nhưng khi đã là VĐV, tất cả đều quyết tâm vượt lên phía trước và đều bước lên bục vinh quang. Và hơn thế, các VĐV khuyết tật còn tìm được cho mình bến đỗ hạnh phúc - điều mà chính họ cũng ít dám nghĩ tới. “Gia nhập CLBTHTM năm 2003, đến nay, em đã có bộ sưu tập 11 HC Vàng quốc gia, 1 HC Vàng và 2 HC Bạc Đông Nam Á. Nhưng điều em cảm thấy hạnh phúc nhất chính là nhờ nơi đây mà em có một mái ấm gia đình với một VĐV khuyết tật khác” - VĐV Nguyễn Văn Hùng hạnh phúc chia sẻ. Cùng chung cảm xúc với Hùng, chàng trai Nguyễn Thanh Xuân (quê ở Diên Lâm, Diên Khánh) ngượng nghịu thổ lộ: “Mình bị tật nguyền nên ngại nghĩ đến chuyện yêu đương. Trước đây mình không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2007, được thầy Mạnh đưa về CLB tập luyện, mình đã có rất nhiều thứ. Trong 4 năm, mình đã có 5 HC Vàng quốc gia và 1 HC Vàng ParaGames. Bây giờ, mình còn có người yêu. Chúng mình đang có rất nhiều dự định cho tương lai”.
Không có gì là “không thể”
|
Trước khi trở thành VĐV chuyên nghiệp, Lê Thị Anh Nga làm nghề thợ may, Nguyễn Thanh Xuân là anh thợ hàn, còn Trương Tấn Hiền (quê ở Diên Sơn, Diên Khánh) lại là nông dân chính hiệu. Mỗi người mỗi cảnh, họ giống nhau ở chỗ tự ti, hay mặc cảm về bản thân. “Em đã từng chán nản, nhậu nhẹt suốt ngày, nhiều lúc không còn biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu” - VĐV Nguyễn Văn Hùng tâm sự như thế về cuộc sống trước kia của mình. Nhưng giờ đây, tất cả họ đều đã trở thành VĐV hàng đầu quốc gia. Nhà vô địch cử tạ ParaGames 4, hạng 52kg tại Thái Lan Nguyễn Văn Hùng lập gia đình năm 2006, giờ đây đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Mong muốn trong chặng đường kế tiếp của Nguyễn Văn Hùng là sẽ tiếp tục gặt hái nhiều HC hơn nữa để có tiền dành dụm, khi giải nghệ sẽ mở một tiệm may. Tâm sự với các VĐV khác, chúng tôi nhận thấy, hầu như trong họ đã không còn khái niệm “không thể”. Lê Thị Anh Nga rắn rỏi: “Người ta có thể đi hết một đoạn đường trong vòng 1 giờ thì chẳng có lý do gì em không thể đi hết nó. Chỉ có điều, em cần nhiều thời gian hơn người khác mà thôi”.
Thể thao đã mang lại cho những con người thiếu may mắn này nhiều điều. Mỗi tấm huy chương, với họ, không chỉ là một thành tích vinh quang, là cơ hội được cháy hết mình với đam mê, mà còn là điểm tựa để họ xây đắp giấc mơ cho cuộc đời mình. Đại hội Thể thao 2012 dành cho người khuyết tật đang đến gần. Đó sẽ là cơ hội để các VĐV khuyết tật của CLBTHTM Vĩnh Hải tiếp tục ghi dấu son trong sự nghiệp thi đấu thể thao của mình.
ĐÌNH LÂM