20:04, 09/06/2023

Khu Đề pô xe lửa: Hoài niệm dấu xưa

ÁI DUY

Có một khu vực dân sinh ở ngay trung tâm thành phố Nha Trang mà có thể rất nhiều người quên khuấy nó, hoặc chỉ ngang qua, hoặc chẳng có việc gì để đi vào. Vài năm trở lại đây, nơi đây có thêm các nhà hàng, quán xá mọc lên theo tốc độ phát triển của nhà cửa mới xây dựng, nhưng hỏi mươi người chung quanh ở thế hệ mình thì hóa ra có khi cả vài chục năm, hai mươi năm, mươi năm nay chưa hề bước chân tới đó: Khu Đề pô xe lửa. 

Khu vực Đề pô hiện nay.

Đề pô (Depot) Nha Trang gắn liền với ký ức tuổi thơ của những cư dân lớn lên nơi này từ thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, khi tuyến đường sắt Bắc - Nam do người Pháp xây dựng đi qua ga Nha Trang từ năm 1936. Trẻ con khu Xóm Mới, Núi Một, Vườn Dương... chỉ chạy ù vài chục bước chân là lọt vô Đề pô, cứ như sân sau của xe lửa là công viên sinh thái của mình. Rộng mênh mông, không nhà cửa, đường sá, sinh vật phong phú thân thiện (tất nhiên trừ đường ray và khu công vụ). Bọn trẻ chui qua gác chắn và cổng rào để áp sát vào những đoàn tàu đang dừng trên đường ray, lăng xăng khắp chốn. Vui thì phụ giúp chuyển hàng hóa và chạy việc vặt, đợi mấy ông sếp lơ đễnh là rút cây xăm bằng tre có một đầu vót nhọn chọc vào mấy bao gạo chất đầy trên các toa chở hàng may ra kiếm được mấy vốc gạo đem về nhà nấu…

 

Cho đến năm 15 tuổi, tôi cũng chưa một lần đi vào khu Đề pô này, dù nhà chỉ cách đó chừng trăm mét, một phần cũng vì đường sắt qua Nha Trang đã ngưng hoạt động và khu này đã trở thành nơi mất an ninh. Mãi tới khi tàu Thống Nhất khôi phục lại tuyến Bắc - Nam vào tháng 1-1977 thì nhà ga mới thực sự hồi sinh. Các khu công vụ bừng ánh điện, các dãy nhà tập thể đơn sơ nhanh chóng mọc lên, đường đi lối lại bắt đầu hình thành. Đề pô ở giai đoạn này lại trở thành sân sau của dân cư lân cận bên ngoài khu vực, nhưng thay cho hình ảnh lũ trẻ con vô tư là từng đoàn người âm thầm tiến vào, tiếp cận đoàn tàu chợ không qua cổng soát vé. Hầu hết họ đều đi tuyến ngắn, Lương Sơn, Suối Dầu, Ba Ngòi... buôn hàng nhỏ lẻ và làm rẫy. Sáng sáng, thấy họ kéo nhau đi ngang nhà, chiều chiều lại kéo về lặc lè thúng mủng, bao tải. Một lần tôi đi theo vô Đề pô, chui rạp người qua khe hở sát đất của cái cổng sắt phía sau ga rồi cứ vậy lên tàu, cái toa tàu cồng kềnh đồ nhiều hơn người nên chẳng thấy ai hỏi vé. Đề pô lúc này dân lao động đổ về nhiều nên ngay đầu cổng vào là những hàng ăn uống bình dân vừa ngon vừa rẻ bán thâu đêm suốt sáng. Chắc trong ký ức người Nha Trang không quên bún bò Đề pô vốn đã thành thương hiệu hàng chục năm trời, mãi những năm 90 mới dần mai một và chuyển đi. Thời kỳ đó, các chợ ở Nha Trang bán đầy thịt con vích, giá rất rẻ ngang các loại cá biển trung bình. Thịt vích màu đỏ sẫm và có sớ dọc nổi rõ y như thịt bò, bị chê có mùi tanh nên dù rẻ cũng ít ai mua, vậy là một thời bún bò Đề pô lao đao vì mang tiếng bán bún bò thịt vích, đâu biết 20 năm sau vích nằm trong sách đỏ.

Cũng đã quá lâu rồi tôi mới quay trở lại Đề pô, ngơ ngác trước nhà ngang dãy dọc và những lối đi như mê hồn trận. Vẫn còn đó hàng cổ thụ già với cây bàng, cây gòn, cây phượng... vươn cao kiên cường. Những toa tàu rỗng bên đường ray, tháp nước cũ, bóng giáo đường, những ngôi nhà có ô cửa nhìn theo lữ khách... Tất thảy đều gợi lại ký ức về một không gian đặc biệt mà những người từng sống ở nơi đây không khỏi bồi hồi.

ÁI DUY