Quê tôi ở miền Trung, đầy nắng và gió. Hồi đó, ba đi bộ đội, má cũng hoạt động cách mạng nên bọn trẻ chúng tôi ở với ngoại. Cũng như tất cả những gia đình khác ở quê, nhà ngoại có hàng chục cái chum để hứng nước mưa. Nước mưa sạch, chỉ dành để nấu ăn quanh năm nên còn gọi là "nước ăn"; còn nước dùng trong sinh hoạt như: tắm rửa, giặt giũ…
Quê tôi ở miền Trung, đầy nắng và gió. Hồi đó, ba đi bộ đội, má cũng hoạt động cách mạng nên bọn trẻ chúng tôi ở với ngoại. Cũng như tất cả những gia đình khác ở quê, nhà ngoại có hàng chục cái chum để hứng nước mưa. Nước mưa sạch, chỉ dành để nấu ăn quanh năm nên còn gọi là “nước ăn”; còn nước dùng trong sinh hoạt như: tắm rửa, giặt giũ… gọi là “nước rửa” thì gánh từ cái đìa cách nhà không xa. Nước rửa được đổ vào những cái lu có miệng rộng cho dễ múc. Tôi còn nhớ, ngoại có 3 cái lu đựng nước rửa để góc sân, có thể dùng 2-3 ngày. Cạnh đó là vạt rau thơm, đám hành lá, giàn mồng tơi, mấy luống cải… Quen tay, mỗi khi rửa, mọi người lại lấy vài gáo tưới cho đám rau. Nhờ được tưới tắm thường xuyên nên các loại rau xanh tốt, nhà tôi có đủ rau ăn quanh năm. Một cái lu nước rửa khác đặt đầu hè để rửa mặt, rửa chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngoại nói, những cái chum và lu này được ông cố cho hồi ngoại đi lấy chồng, giống như của hồi môn vậy.
Nước mưa phải hứng trong mùa mưa, dùng qua cả mùa nắng nên ngoại rất quý, dùng rất dè xẻn. Mỗi cái chum đều có nắp đậy hình nón, phía trên có quai cầm, làm bằng tôn do ông ngoại gò. Mặc dù chum xếp thành hàng dọc, kê trên 3 viên gạch, cố định dưới mái hiên, nhưng ngoại vẫn cẩn thận lấy vôi đánh số thứ tự, ngoại nói để biết được nước mưa đã dùng đến đâu còn lo tiết kiệm cho đến mùa mưa. Nhờ ngoại biết tính toán nên nhà tôi thường có đủ nước ăn quanh năm.
Lần lượt, những cái chum nước mưa dần cạn đáy, khô cong. Ông ngoại lăn chúng từ ngoài hiên vào trong buồng kho. Tại đây, chúng bắt đầu được giao những nhiệm vụ mới: Chứa nông sản, mùa nào thức nấy: mùa đậu phộng thì chứa đậu phộng, mùa khoai sắn thì đựng khoai sắn khô, cả đậu xanh, đậu đen nữa… Đặc biệt nhất là khi những buồng chuối trong vườn chín, ngoại cắt ra thành từng nải, đem dú trong những cái chum ấy, phía dưới ngoại lót lớp rơm, phía trên cũng phủ 1 lớp rơm. Dú như vậy, chỉ vài ngày chuối chín vàng. Đi học về, bọn trẻ con chui vào kho, vén lớp rơm lên, tìm những quả chín, vặt ăn trong khi chờ cơm. Chuối vừa chín tới, vừa dẻo vừa ngọt, ngon ơi là ngon, có thể ăn vài quả không ngán, nhưng ngoại ngăn lại: “Mấy đứa để bụng còn ăn cơm nữa chứ!”. Cơm thì gạo ít, khoai sắn độn nhiều nên tôi thích ăn chuối hơn ăn cơm, nhưng ngoại dứt khoát không cho vì ăn như vậy không đủ sức khỏe!.
Khi khoai sắn hay các loại đậu đã dùng hết thì những cái chum lại trở thành chỗ chơi trốn tìm của bọn trẻ, cũng phủ rơm lên trên như dú chuối để “kẻ địch” không phát hiện… Đôi khi, chúng tôi thò đầu vào miệng chum, la ông ổng hay hát lanh lảnh những bài hát không đầu không cuối rồi cười. Ngoại vừa têm trầu vừa nhìn chúng tôi cười tủm tỉm…
Thời gian trôi qua, những cái chum, cái lu ngày ấy dần được thay bằng những thùng phuy, bể xây, chum nhựa…, hay sang hơn là bồn chứa bằng inox. Ở quê, người ta không còn phải hứng nước mưa vì đã có nước máy dẫn đến tận nhà.
Ngoại đã đi rất xa. Những cái chum, cái lu của ngoại được các cậu, dì đổ đất trồng cây cảnh, để trước sân cho đẹp hoặc bán cho các khu resort để trang trí.
Mỗi khi nhớ quê, nhớ ngoại, tôi luôn nhớ về những cái chum, cái lu, như những kỷ niệm đẹp một thời thơ ấu êm đềm…
Giao Thủy