Xóm nằm dưới một vệt đồi vòng cung toàn những rặng mít cổ thụ, tán trùm sum suê che lấy những nếp nhà khiêm tốn. Bên hông bếp, từng lọn khói luồn ra thơm đượm mùi lá khô, cảm nhận cái rét được xua đi bởi tình thương của khói, và mùi khói sẽ nương theo ta đi suốt cuộc đời, để rồi mỗi lần nhớ lại khóe mắt cứ cay cay.
Xóm nằm dưới một vệt đồi vòng cung toàn những rặng mít cổ thụ, tán trùm sum suê che lấy những nếp nhà khiêm tốn. Bên hông bếp, từng lọn khói luồn ra thơm đượm mùi lá khô, cảm nhận cái rét được xua đi bởi tình thương của khói, và mùi khói sẽ nương theo ta đi suốt cuộc đời, để rồi mỗi lần nhớ lại khóe mắt cứ cay cay.
Nhà tôi và nhà ông Hiệp chiếm hết một phần đồi Kỳ Sim. Tôi ngồi xem ông Hiệp cặm cụi mài giũa từng lưỡi dao. Những con dao rỉ sét mà chỉ một lúc sau sạch bong như được rèn mới.
- Ông Hiệp ơi, ngày nào đi hái lá dong để cho con Mén nhà tui theo với? Mạ tôi đứng bên hàng rào hoa mướp nói vọng sang.
- Cứ chuẩn bị đồ cho đầy đủ, nội trong tuần này sẽ đi. Ông nói.
- Mạ cháu nói lúc nào đi thì sẽ chuẩn bị suất cơm cho hai ông cháu luôn. Ông Hiệp không cần phải nấu nữa nhé.
- Ừm, nói với thằng Mẳn, con Xồm, con Bé… đứa nào muốn đi nữa thì cứ chuẩn bị tinh thần để đi. Đợt này có khi ba, bốn ngày mới về.
Tôi nhớ đến vài cái Tết trước, mỗi lần theo đoàn ông Hiệp, ông Ninh... đi lấy lá, tôi thường hái được ít lắm, chỉ vừa đủ cho mạ tôi gói được khoảng mươi cặp bánh chưng, bánh tét, chủ yếu là các bác ấy về san sẻ cho thêm. Có năm mưa rả rích kéo dài, đường rừng trơn trượt, nắng rồi lại mưa, mưa rồi lại nắng… Đúng năm mưa đó, các bác ấy quyết định không cho lũ con nít đi theo, riêng tôi vẫn cứ năn nỉ xin được đi theo, được đoàn đồng ý là nhờ có cậu Bảo - cậu ruột của tôi đi cùng. Đoàn dừng lại ở đầu rừng, rồi sau đó men theo con đường nhỏ dẫn vào sâu vào bên dưới, qua những tán chuối rừng xanh thẫm, ướt át. Những buồng chuối chín vàng lơ lửng treo trên cao, quả nhỏ đều răm rắp. Xưa, chẳng ai thèm lấy chúng làm gì, để chín nẫu cả một vùng thơm lựng. Còn bữa nay, người ta lại rất chuộng thứ chuối rừng này để đem về ngâm rượu. Tôi choáng ngợp bởi cảnh sắc trù phú của rừng, quên mất việc chính của mình là đi lấy lá, cứ rời xa đoàn người. Càng đi sâu vô rừng mọi thứ càng trở nên lạ lẫm. Mưa ngớt, mặt trời xiên qua tàng cây thả những sợi nắng vàng dịu ngọt. Lúc này, cánh rừng trở nên biếc xanh, những bông hoa chuối đỏ rực thắp lửa. Tôi kết một vòng nguyệt quế đội lên đầu và vòng về trảng rừng lá dong, nơi đoàn người đang say sưa cắt lá.
Vạt dong cao ngang ngực tôi, lá xanh bóng, mỗi cây có đến hơn chục nhánh. Có bụi lá trơn, có bụi lá phủ lớp lông mịn. Căn cứ vào đặc điểm đó người ta phân biệt đâu là dong nếp, đâu là dong tẻ. Lá dong nếp hai mặt đều nhẵn nên người ta sẽ dùng để gói bánh nhiều hơn.
Mấy Tết trước, mỗi lần đem lá dong từ rừng về, mạ tôi thường dựng nó trong một chậu nước lớn để giữ cho lá tươi. Chọn ngày nắng đẹp, mạ nhóm một bếp lửa thật đượm bằng những khúc củi chắc nịch được trữ từ trước. Và câu nói quen thuộc: “Con Mén lại rương lấy chiếc khăn dong cho mạ”. Đó là một chiếc khăn màu tím đậm được dệt từ những sợi vải mềm mịn, xung quanh có những tua rua và vài họa tiết kẻ ô. Chiếc khăn có cái tên như vậy bởi trong rương có đến vài chiếc khăn, trong đó có chiếc khăn dù xanh - vật kỷ niệm duy nhất của ba mà gia đình tôi giữ lại. Chiếc khăn vương mùi đạn khói lẫn mùi mực xưa cũ của một thời cầm bút lăn lộn trên khắp các chiến trường. Chỉ vài cái Tết mà mạ tôi già đi trông thấy, mái tóc giờ trắng nhiều hơn đen, mắt mờ dần và dáng đi không còn được thẳng. Tôi chợt thấy mơ hồ một điều gì đó sợ hãi. Ôm chiếc khăn dong màu tím, cảm nhận mùi vị đậm đà của hương lá, mùi vị của tình thân, sự ấm áp. Tôi hít hà nó một lúc thật lâu trước khi đem đến cho mạ trải rộng và đặt những xấp lá dong vào, buộc lại và bỏ lên nồi nước sôi để nhúng. Mùi lá thơm nồng quyện vào mùi khói bếp thật khó diễn tả. Dẫu nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được mùi hương ấy, cả những giọt nước mắt của mạ tôi chấm vào đó khi nhìn thấy con mình được cõng từ rừng về.
Lần đi cuối cùng đó, cậu tôi ân hận lắm, nhẽ ra tôi cũng ở nhà như mấy đứa thì đâu xảy ra chuyện. Mà chính cậu đã đứng ra bảo lãnh cho tôi đi, để rồi điều không may mắn đã xảy đến, tôi bị rắn cắn. Sau một tiếng hét thất thanh, tôi ngã vật xuống đất. Cậu Bảo lao đến, phát hiện dấu răng của rắn trên lóng tay tôi trong lúc tôi đang ngồi xếp lá để cho cậu cột lại thành từng bó. Tôi nằm im trên đất, mơ hồ thấy những bóng người xúm lại, những âm thanh nhốn nháo…
Tôi bắt đầu lên cơn sốt, toàn thân mê man. Tôi lắng nghe âm thanh rất rõ nhưng không thể mở mắt ra nhìn mọi người. Đám người vây quanh chỗ tôi nằm, cậu tôi khóc rưng rức, sự hoảng loạn khiến cậu bất lực quên mất cách sơ cứu tối thiểu, cứ nhất quyết đòi cõng tôi chạy đi tìm xe. Ông Hiệp từ phía vạt dông xách đuôi con rắn nói lớn: Đừng hoảng quá, loài rắn ráo ni cũng lành thôi. Chắc hai hôm nay nó dầm mưa lạnh nên bị cảm sốt đó, vô lán nấu cho nó bát cháo nóng đi, qua 12 giờ sẽ ổn thôi.
Tôi mở mắt, cảm nhận từng hớp cháo nóng tràn qua vòm họng, mùi bùn cháy, và cả những âm thanh lách tách từ lò bếp. Sau đó, một mùi thơm tỏa ra không thể cưỡng. Mùi gà nướng. Ông Ninh đã bẫy được một chú gà rừng, lấy bùn khe đắp tròn thân nó lại và vùi kín trong lò bếp. Cậu vặt phần tôi nguyên một cái đùi gà. Tôi như tỉnh hẳn sau khi ăn hết số thức ăn. Không biết ai báo về mà mạ tôi đứng ngồi không yên, mấy bận đòi đứa cháu chở vô rừng kiếm tôi. Vừa may, thấy đoàn trở về đầu ngõ, mạ tôi chạy ra dìu tôi xuống từ trên lưng cậu. Con Mén răng rồi? Chừ có đưa lên trạm xá không? Mạ sờ trán tôi, rồi nắn bóp khắp cơ thể tôi một lượt. “Chỗ rắn cắn mô? Vừa thấy sợi ruy băng thắt ngang tay tôi chưa kịp tháo, mạ tôi lấy vuông khăn tím lau nước mắt: “Ơn trên phù hộ”.
Đó là chuyến đi rừng cuối cùng của tôi trong mùa lấy lá, cũng hơn hai mươi năm, giờ đây nhiều cánh rừng tự nhiên đã trở thành cánh rừng tràm, trảng thực vật hoa trái bên dưới đã được dọn sạch để dành chỗ cho những thùng ong nuôi lấy mật. Nhiều ngôi nhà mọc lên, dân cư lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt… vẻ hoang vắng không còn. Chợt thèm nghe mùi khói và những âm thanh hoang hoải của muông thú gọi bầy. Những khóm dong theo chân người về đồng bằng mọc lên thành vạt, thành bãi… giá cả cũng tăng vọt lên gấp hai ba lần và theo những chuyến xe ra huyện ra phố, rồi đi liên tỉnh. Giọng nói í ới gọi nhau đi hái lá dong từ tờ mờ sáng đã lùi xa vào dĩ vẵng. Thèm một bữa cơm nắm đùm trong lá chuối, chấm với mè lạc, vài ba con khô, quả cà muối mà ngon đáo để. Có lẽ, đó là những bữa cơm ngon nhất đời của tôi cho đến tận bây giờ. Tôi chợt cay mắt khi nghĩ đến chiếc khăn dong của mạ. Nó giờ đây đã biến thành chiếc túi đeo kiểu cách bên hông tôi trong suốt những chặng đường đi thực tế viết lách. Bên đường lau trắng xóa, ngã rạp mình theo luồng gió, tôi ngẩn ngơ nhìn cánh đồng dong xanh đang vươn những chiếc lá hiền hòa giữa mênh mông ánh nắng. Một lọn khói nhà ai len lên cao, cuộn vào tâm thức tôi một niềm hạnh phúc ấm áp đến khó tả. Tôi bước đi trong những ngày cuối đông…
Truyện ngắn của Trác Diễm