10:12, 16/12/2022

Sách trong tôi: Nắng trong "Người đàn bà nhặt nắng"

Trong cuộc sống thường ngày, chắc chẳng ai đi nhặt nắng bao giờ, vì nắng thì làm sao nhặt được. Nhưng trong thơ lại khác, một cây bút nữ của Khánh Hòa - Nguyễn Thị Hồng Đào mới đây đã ra mắt bạn đọc tập thơ khá đầy đặn mang tên "Người đàn bà nhặt nắng" (Nhà xuất bản Văn học năm 2022).

Trong cuộc sống thường ngày, chắc chẳng ai đi nhặt nắng bao giờ, vì nắng thì làm sao nhặt được. Nhưng trong thơ lại khác, một cây bút nữ của Khánh Hòa - Nguyễn Thị Hồng Đào mới đây đã ra mắt bạn đọc tập thơ khá đầy đặn mang tên “Người đàn bà nhặt nắng” (Nhà xuất bản Văn học năm 2022). Tất nhiên, “nhặt nắng” trong thơ chỉ là một cách nói, một cách mượn ngôn ngữ để biểu đạt cảm xúc, tình cảm… của tác giả trước hiện thực cuộc sống, như người ta thường định nghĩa: Thơ là tiếng lòng, là tiếng nói từ tâm hồn, từ con tim thi sĩ.


“Nắng” mà Nguyễn Thị Hồng Đào đi nhặt trước hết là những kỷ niệm, những hình ảnh in đậm trong ký ức của mình một thời đã qua. Đó là hình ảnh không bao giờ quên về người mẹ với “bầu sữa ngọt dành nuôi con lớn/buồng cau già, nải chuối vọng đồng dao”,“giữa đồng trưa, nắng xế/đôi vai mềm gánh nặng trĩu gồng lưng” (bài Nhớ lời ru xưa); là cảnh yên bình nơi làng quê yêu dấu mà tác giả đã trải qua thời thơ ấu với “nắng thu chợt rót như đùa/Lá vàng một chút giữa trưa rơi thầm” (bài Đón thu) hay “tháng năm khúc khích giòn tan/Bên nhau làm dịu nắng vàng hanh hao/Bằng lăng cánh tím ai trao/Cánh hoa ép vở lao xao tuổi khờ” (bài Bằng lăng tháng Năm); là mảnh trăng gầy lung linh trong những khoảnh khắc chứa đầy suy tư: “Đời ta hạt lúa ngọn rau/Cảm ơn tấc đất chôn sâu mối tình/Trăng gầy cuối tháng lung linh/Sương giăng ngọn cỏ giấu tình ban khuya” (bài Bình minh trăng).


Đọc “Người đàn bà nhặt nắng” của Nguyễn Thị Hồng Đào, ta sẽ bắt gặp không ít câu thơ nhẹ nhàng nhưng chứa đầy thi ảnh về cảnh sắc quê hương hòa với tâm trạng của tác giả khi trời đất thay mùa. Đoạn thơ dưới đây là một ví dụ: Màu nắng đẹp xuân vừa về qua ngõ/Lòng ấm dần xua cái lạnh triền miên/Tím đong đưa lá trêu đùa cánh gió/Hoa anh đào đỏng đảnh hé môi thanh (bài Ru ta hoàng hôn). Đây cũng là một trong những đoạn thơ để lại trong lòng người đọc cảm thức khó quên: “Đông về hong chín hồn thiếu phụ/Cồn cào sóng dậy ngực trăng say/Cánh đồng con gái hương thoang thoảng/Chiều thắm mây hồng lững thững bay” (bài Vệt nắng tin xuân).


Đề cập đến nhiều đề tài khác nhau, nhưng trong tập thơ của Nguyễn Thị Hồng Đào, có gần nửa số bài viết về đề tài tình yêu mà điểm nhấn là tâm trạng của người phụ nữ cô đơn đang trên đường kiếm tìm hạnh phúc. Người phụ nữ ấy đã “Có những chiều thẫn thờ xuống phố/Đủ sắc màu nhưng thiếu sắc anh/Cà phê đen thèm thuồng nỗi nhớ/Quán đông sao tay ta lạnh tanh” (Ta tự thương ta). Thiếu vắng, nhớ nhung, ngóng mong, ước mơ, chờ đợi…, người phụ nữ ấy đã trải qua biết bao khoảnh khắc với những tâm trạng khác nhau. Ở mảng đề tài này, thơ của Nguyễn Thị Hồng Đào cũng đã tạo nên khá nhiều dấu ấn, chẳng hạn như đoạn thơ sau đây diễn tả sự tiếc nuối về một mối tình đã xa: “Ta gom từng sợi nắng/Giữa trời thu hao gầy/Mùa trao mùa lẳng lặng/Thì thào lá ru cây/Ta gom từng góc khuất/Tuổi hồn nhiên tinh khôi/Miên man vùng ký ức/Nhắc chừng cuộc rong chơi/Ta gom từng nuối tiếc/Đã bao mùa chờ nhau/Nhìn mây bay biền biệt/Thu vàng rơm rớm nâu” (Gom thu).


Nguyễn Thị Hồng Đào sinh năm 1973 tại Diên Khánh, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa. Năm 2020, chị ra mắt tập thơ đầu tay với tên gọi “Gió trở mùa” và “Người đàn bà nhặt nắng” là tập thơ thứ 2 của chị. Sẽ không khó để nhận ra những giọt nắng lấp lánh trong tập thơ “Người đàn bà nhặt nắng”!.

                                                                 
HOÀNG LINH