Lại tới mùa hạ, khi đó hai đứa con đã nghỉ học, tôi lại bảo Hải cùng tôi về quê thăm nội. Đã mấy năm rồi, công việc bộn bề, cả gia đình tôi đã không về quê, dẫu bây giờ nội chỉ còn là một ngôi mộ nằm chen khuất cùng bao nhiêu ngôi mộ khác.
Lại tới mùa hạ, khi đó hai đứa con đã nghỉ học, tôi lại bảo Hải cùng tôi về quê thăm nội. Đã mấy năm rồi, công việc bộn bề, cả gia đình tôi đã không về quê, dẫu bây giờ nội chỉ còn là một ngôi mộ nằm chen khuất cùng bao nhiêu ngôi mộ khác. Rồi bỏ lại những ý định đi đây đi đó, cả gia đình cùng lên chuyến tàu lửa về quê. Vũ, đứa con trai đầu của tôi năm nay đã 9 tuổi, nói như reo: “Con được về quê thăm bà cố phải không mẹ”. Ừ, thì thăm bà cố, thăm luôn ba mẹ đang vẫn bám lại cái làng quê nhỏ, dứt khoát không chịu vào thành phố sống cùng con.
Mùa hạ năm đó trời rất nắng, những con đường vào buổi trưa gần như vắng bóng xe qua lại. Những hàng cây hai bên đường chịu nắng, cứ đứng im, không có một ngọn gió để xua tan oi bức. Càng nắng, những cây phượng lại càng bung nở những chùm hoa, càng nắng hoa phượng lại càng rực đỏ. Lạ kỳ cho loài hoa gắn liền với tuổi học trò ấy lại gợi nhớ cho tôi những ngày còn nhỏ, mà giờ ngẫm lại thì chính nhờ sự khó khăn của nội mà tôi đã trưởng thành và khi vào đời chẳng còn phải sợ bão giông, vượt qua được hết mọi điều.
Con đường vào nghĩa trang là một vòng ôm qua một ngọn đồi nhỏ. Những ngôi mộ nằm trong một thung lũng, bao bọc là núi và có một con suối chảy dịu dàng xuyên qua. Đặc biệt, hai bên lối đi trồng toàn hoa phượng. Theo người ta kể, những cây hoa phượng này do một doanh nhân trao tặng, trồng và chăm sóc. Vợ anh rất yêu hoa phượng, vậy nên khi vợ anh yên nằm tại nơi này, để tỏ lòng yêu quý vợ và cũng muốn tạo vẻ đẹp cho nghĩa trang, anh đã tài trợ trồng hàng hoa phượng này. Giờ thì con đường đẹp như một cảnh trong phim truyện nào đó mà các ông đạo diễn chọn để làm cảnh quay. Nghĩa trang không vắng vẻ, không chỉ có thân nhân những người đã khuất, tới thắp nén nhang cho sự tưởng nhớ, mà còn có cả những cặp đôi với váy áo tươi tắn chụp ảnh làm album cưới, những cô cậu hồn nhiên tạo dáng trong màu hoa đỏ. Hình như chính sự hồn nhiên và vui tươi của tuổi thanh xuân đã làm cho những người đã khuất nằm yên nghỉ ở đây cũng vui theo.
Mộ của nội nằm dưới một bóng cây cổ thụ, bóng mát của cây như che cho nội khỏi nắng. Vũ loay hoay cầm chiếc chổi nhỏ mang theo, quét sạch bụi và lá vàng rơi trên mộ nội. Rồi thằng bé cắm vào cái lọ nhỏ trước mộ mấy bông hoa cúc vàng. Nó hỏi rất ngây thơ: “Bà cố có biết mình tới thăm cố không mẹ?”. Tôi cười với nó: “Biết, bà cố còn biết con vừa thay hoa cho bà nữa kìa”.
Chúng tôi về lại căn nhà thời thơ ấu của tôi. Căn nhà giờ đã được xây dựng lại và khang trang, khác với ngày nội còn sống. Ở một góc sân vẫn còn cây hoa điệp vàng, giờ cũng đang trổ đầy hoa, tôi nghe như tiếng nội: “Hằng, con ra hái hoa vào cho bà cúng”.
Ngày đó, tôi còn nhỏ, ham chơi như bất cứ đứa trẻ nào trong xóm. Dẫu là con gái nhưng bạn của tôi toàn con trai, và tôi theo đám con trai đi tắm sông, bắt ốc, chơi các trò chơi mà ở làng quê mới có. Ba tôi đi làm việc ở thành phố, thỉnh thoảng mới về; còn mẹ bận bịu với cái sạp hàng bán đủ thứ trên đời ở chợ. Tôi ở nhà với nội. Với tôi, khi đó đi học là cực hình, mỗi ngày phải đạp xe tới ngôi trường nhỏ ở đầu làng. Tôi nhớ ông thầy dạy học rất nghiêm khắc, học trò đi học trễ ông bắt phạt quét sân trường. Tôi cứ mê đuổi bướm bắt hoa nên gần như bị phạt quét sân trường, mà đã quét sân trường thì về trễ. Với bà nội, bà không cho phép nói dối. Bà bảo khi lớn khôn, cứ nói dối thành thói quen, khó trở thành người tốt. Bà bắt tôi ngủ đúng giờ, kệ cho bên ngoài vẫn xôn xao tiếng nói cười. Ngày nghỉ, nội dắt tôi ra đồng, bảo tôi quan sát và học cách trồng rau, hái rau, nhổ cỏ... Tôi phản đối: “Lớn lên con có đi trồng rau đâu mà nội bắt con trồng?”. Bà nội mắng: “Con không biết sự vất vả của người khác thì con sẽ không có tấm lòng nhân hậu”.
Bà nội có một cái roi mây. Cái roi nhỏ ấy bà treo ngay nhà bếp. Mỗi lần tôi phạm sai lầm, bà bảo xuống bếp lấy cái roi mây cho bà, rồi tự giác nằm lên chiếc phản cho bà đánh. Thật ra bà đánh không đau lắm, bà đánh như giáo dục cho tôi cái nếp sống để mai sau vào đời có một nhân cách tốt. Bây giờ chiếc roi mây vẫn còn giữ lại và treo ở một góc sau bàn thờ của nội. Mà lạ cho nội là bà cũng rất thích mùa hoa phượng nở. Bà bảo loài hoa ấy có sức hút mãnh liệt cho bất cứ ai, và gợi nhớ cho tất cả mọi người là tuổi học trò đẹp nhất trong cả cuộc đời. Nhưng nội gần như không có tuổi học trò, bà học dở dang lớp 2 và chẳng bao giờ biết sân trường đại học có những bước chân rất khẽ của bao nhiêu mộng ước. Vào mùa hoa nở đó, nội bảo tôi có đi đâu thì hái về cho nội một ít, và nội vui khi nhìn thấy hoa, đôi khi quên mất phạt tôi vì tôi đã phạm một lỗi lầm nào đó.
Tôi hái một chùm hoa phượng rực đỏ để trên bàn thờ của nội. Rồi tôi loay hoay vào bếp nấu món canh khổ qua nhồi thịt. Đây là món ăn nội dạy tôi đầu tiên, với lời dặn dò: “Người phụ nữ dù đẹp tới đâu rồi cũng sẽ già nếu muốn giữ người đàn ông bằng nhan sắc. Còn người phụ nữ biết nấu ăn ngon sẽ giữ được người đàn ông về nhà”. Hải đã ăn những món ăn tôi nấu do nội dạy tôi từ thuở nhỏ. Hải bảo: “Nhờ chiếc roi mây của nội ngày xưa mà giờ đây anh có một người vợ nấu ăn ngon”.
Những bông hoa phượng vẫn còn rực đỏ một góc trời khi cả gia đình tôi lên xe, về lại căn nhà của mình. Tôi ngắm nhìn hàng phượng đỏ cứ khuất dần trong tầm mắt, nhòa trong nắng lóa ấy tôi tưởng như nội đang vẫy tay chào.
Truyện ngắn của Khuê Việt Trường