Như thường lệ, sáng nào Tân cũng chạy bộ ra Quảng trường 2-4 để tập thể dục, đi bộ mấy vòng rồi xuống biển tắm. Hôm nay sóng to, Tân quyết định không xuống tắm mà đi bộ thêm mấy vòng. Đang đi thì bất ngờ có một phụ nữ trung niên, khuôn mặt rạng rỡ nhìn anh:
Như thường lệ, sáng nào Tân cũng chạy bộ ra Quảng trường 2-4 để tập thể dục, đi bộ mấy vòng rồi xuống biển tắm. Hôm nay sóng to, Tân quyết định không xuống tắm mà đi bộ thêm mấy vòng. Đang đi thì bất ngờ có một phụ nữ trung niên, khuôn mặt rạng rỡ nhìn anh:
- Có phải anh là…
Bỗng chị ta khựng lại:
- Xin lỗi, tôi nhầm!
Nói rồi bà ta rẽ sang một bên rồi tiếp tục đi.
Tân quay lại nhìn theo cho đến khi người phụ nữ ấy đi sang bên kia đường. Giá như bà ta bình thường như những người phụ nữ hằng ngày vẫn ra đây tập thể dục thì anh đâu để ý, đằng này bà có dáng vẻ một quý bà trí thức, đeo kính trắng, khuôn mặt duyên dáng, dễ có cảm tình.
Tân đi thêm một vòng nữa rồi ngồi nghỉ. Trong đầu anh lại suy nghĩ về người phụ nữ đó. Anh phỏng đoán có lẽ bà ta không phải là người Nha Trang mà là khách du lịch từ xa đến. Vậy, người mà bà nhầm với mình là gì của bà? Bạn thân hay người yêu cũ mà lâu lắm bà không gặp?
Sáng hôm sau, theo kế hoạch, Tân đưa đứa cháu vừa thi vào lớp 10 từ Hà Nội vào đi tham quan các đảo ở Nha Trang. Khi bước lên thuyền, thằng bé nhanh nhảu chạy lên đầu thuyền đứng xem sóng biển, còn anh nhìn quanh để tìm chỗ ngồi. Bất chợt, anh nhìn thấy người phụ nữ hôm qua đang ngồi một mình giữa hàng ghế trống. Anh phấn chấn tiến đến ngồi đối diện.
- Chào bà!
- Vâng, chào ông!
Hình như bà ta còn ngượng vì sự nhầm lẫn hôm qua?
- Bà là người ở xa đến Nha Trang du lịch?
- Vâng! Tôi từ Hà Nội vào.
- Bà đã đi nhiều nơi chưa?
- Tôi chỉ mới đến Tháp Bà Ponagar và đảo Khỉ.
- Ô! Thế thì ở đây còn nhiều nơi đáng để bà tham quan lắm.
- Vâng! Tôi cũng nghĩ thế.
Chần chừ một lúc, Tân mạnh dạn hỏi:
- Tôi hơi tò mò một chút, xin được hỏi, người mà bà nhầm là tôi, chắc đã xa bà lâu lắm rồi?
- Vâng, được hơn 20 năm.
- Ồ! Xa nhau đến hơn 20 năm, bao nhiêu đổi thay thì bà nhầm là phải. Chắc hai người là bạn thân?
- Là bạn học hồi cấp ba. Chúng tôi cùng học một lớp và cũng có nhiều tình cảm với nhau.
- Rồi hai người cùng vào đại học chứ?
- Không phải vậy, chỉ có tôi vào Đại học Dược, còn anh ấy thì làm đơn tình nguyện vào mặt trận Tây Nam chiến đấu mặc dù anh ấy học rất giỏi, thi đỗ cả hai trường đại học. Trước khi chia tay, anh có gửi tôi một bức thư ngỏ lời.
- Hai người vẫn giữ liên lạc với nhau?
- Hai năm đầu vào đại học chúng tôi vẫn giữ được liên lạc. Những năm sau, tôi vẫn viết thư đều đặn, mỗi tuần 2-3 lá nhưng nhận lại rất ít, có khi cả tháng mới có một thư. Anh báo tin, khi thì ở mặt trận Tây Nam, khi thì đang hành quân lên biên giới phía bắc. Cả năm cuối đại học, tôi chỉ nhận được một lá thư của anh ấy thôi.
Ngừng một lúc, bà kể tiếp với giọng hơi buồn:
- Thế rồi, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được học bổng đi tu nghiệp ở Pháp hai năm rồi ở lại làm việc thêm một thời gian nữa. Trên đường về nước, tôi dự định sẽ đến thăm gia đình anh để hỏi thăm tin tức về anh. Thú thật tôi cũng có ý định chờ anh mặc dù chúng tôi chưa hứa hẹn gì với nhau. Nếu biết anh đóng quân ở đâu tôi sẽ tìm đến. Nhưng cả nhà anh ấy đã chuyển vào Nam sinh sống nên tôi mất liên lạc hoàn toàn, không biết hỏi ai. Thế rồi tôi lập gia đình. Phần vì bận công tác, phần vì bận việc gia đình nên việc tìm tin tức của anh tôi đành gác lại. Thật tình, có muốn tìm tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu vì chẳng có manh mối nào. Lúc này có thời gian hơn nên tôi lại muốn tìm xem anh ấy sống ra sao?
Nghe bà nói, Tân thấy xúc động. Đây không phải là tình bạn học thông thường mà có lẽ là một tình yêu sâu đậm, trong sáng của tuổi học trò.
Chẳng hiểu vì sao lúc này anh chợt nghĩ ra câu hỏi:
- Bà có thể cho tôi biết tên anh ấy được không? May ra tôi có thể tìm ra anh ấy giúp bà.
- Anh ấy tên Lê Văn Lâm.
Nghe đến đây Tân hơi bất ngờ. Nhưng để khẳng định thêm, Tân hỏi tiếp:
- Còn tên bà?
Bà không trả lời ngay mà lấy ra tấm danh thiếp trao cho Tân. Anh cầm xem thấy tên trong danh thiếp là Vũ Thùy Trang. Thế thì chắc chắn rồi, không sai vào đâu được! Người Tân tưởng chừng như run lên!
* * *
Sau khi rời Nha Trang, Thùy Trang còn vào tham quan Mũi Né và một vài nơi khác. Một tuần sau bà mới về đến nhà. Thấy bức thư dày nằm trên bàn, bà vội vàng mở ra xem. Trong phong bì có hai bức thư mà chị đã gởi cho Lâm; còn một bức thư nữa của Tân.
Anh viết: Gởi TS.Thùy Trang! Trước hết tôi gửi lời xin lỗi bà! Đáng lẽ tôi phải gửi trả lại hai lá thư này cho bà sớm hơn khi người nhận nó đang nằm dưới ba tấc đất. Trái lại, tôi đã mở nó ra đọc và thú thật, tôi vô cùng ngưỡng mộ tình cảm của bà dành cho Lâm, rất sâu đậm. Bà đã nhắc lại nhiều kỷ niệm đẹp, đầy thơ mộng giữa hai người, với sự khắc khoải, chờ mong. Thú thật với bà là nơi trận địa, chúng tôi thường xem thư chung của nhau để chia sẻ vui buồn với nhau, mong bà thông cảm. Sau khi xem xong thư bà, tôi đã quyết định thay Lâm viết thư trả lời cho bà. Tôi làm thế chẳng biết sai hay đúng nhưng tôi không muốn bà bị sụp đổ ngay lúc đó mà tôi muốn anh Lâm của bà vẫn tiếp tục sống thêm một thời gian nữa trong lòng bà để bà đỡ hụt hẫng. Tôi nghĩ, không có uy lực nào làm nguôi ngoai được nỗi đau bằng thời gian? Cũng may là tôi và Lâm có nhiều nét tương đồng cả về hình thể lẫn nét chữ nên hy vọng là bà không phát hiện ra. Bây giờ thì có lẽ mọi việc đã rõ. Chắc bà sẽ rất tự hào khi được biết anh Lâm đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để đánh lạc hướng quân địch, tạo điều kiện cho đồng đội rút lui an toàn vì tất cả súng không ai còn đạn. Chính tay tôi đã mai táng Lâm trên một mô đất bên cạnh một tảng đá to mà tôi đã cố sức đập vỡ một mảng để đánh dấu. Khi về đơn vị điều dưỡng, trước khi đi Liên Xô học đại học, tôi đã vẽ lại sơ đồ nơi Lâm nằm và nhờ đó, đồng đội đã quy tập hài cốt Lâm về nghĩa trang thành phố nơi biên giới. Vừa rồi đơn vị tôi có tổ chức chuyến đi lên đó để viếng mộ liệt sĩ, tôi thấy mộ Lâm cùng nhiều mộ đồng đội đang yên nghỉ trong nghĩa trang này. Nếu bà đi được lên đó để thắp một nén hương, chắc Lâm sẽ rất vui. Chúc bà mọi sự may mắn.
. Truyện ngắn của Lê Minh Phúc