Đêm qua trong giấc ngủ ta nghe êm êm rủ rỉ trên mái khuya một cơn mưa. Sáng ra những hạt mưa vẫn đuổi nhau hoài ngoài ngõ. Vừa mới nghĩ mới đó đã tháng 7 rồi, chợt nghe tiếng ai ngoài ngõ: "Tháng 7 mưa ngâu. Nhớ quê quá!". Ta mới nghĩ ra " Ở ngoài quê giờ đã mùa ngâu".
Đêm qua trong giấc ngủ ta nghe êm êm rủ rỉ trên mái khuya một cơn mưa. Sáng ra những hạt mưa vẫn đuổi nhau hoài ngoài ngõ. Vừa mới nghĩ mới đó đã tháng 7 rồi, chợt nghe tiếng ai ngoài ngõ: “Tháng 7 mưa ngâu. Nhớ quê quá!”. Ta mới nghĩ ra “ Ở ngoài quê giờ đã mùa ngâu”.
Từ thời xưa, ông bà ta sống với lịch thiên nhiên của mỗi tháng trong năm. Có “tháng giêng là tháng ăn chơi”, có “tháng hai rét lộc- Tháng ba rét nàng Bân”… Và đặc biệt nhất là tháng 7, tháng có những cơn mưa dầm rả rích gắn câu chuyện bi thương của cặp vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ. Nếu thế giới có chuyện tình yêu của Romeo và Juliet, thì Ngưu Lang Chức Nữ của Việt Nam cũng là thiên diễm tình như vậy. Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã kể ta nghe chuyện Chức Nữ là tiên trên trời, còn Ngưu Lang chỉ là chàng trai chăn trâu nơi hạ giới. Họ thành vợ chồng trái với ý Trời nên phải chịu án phạt, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần. Vào đêm thất tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch) thì sông Ngân Hà ngăn cách giữa hai người được đàn quạ bắc cho một cây cầu Ô Thước để họ gặp nhau. Nước mắt nhớ nhung buồn tủi ngày đoàn viên chan hòa đã làm nên những cơn mưa sụt sùi mà người ta vẫn gọi là mưa ngâu.
Mùa ngâu ở quê có một vẻ êm êm miên man riêng của nó. Bắt đầu là những hạt mưa nhỏ thi nhau rơi xuống. Tiếng mưa rả rích rả rích, nghe như tiếng sụt sùi kể lể, như lời tự tình của đôi vợ chồng xa nhau lâu ngày gặp lại. Mưa đến độ nào đó, có một cơn gió thổi ào qua, những chậu dưới hiên nhà hứng đầy nước mưa khẽ reo lanh canh như tiếng cười khúc khích chen giữa câu chuyện tâm tình của cặp vợ chồng trẻ trong căn buồng hạnh phúc, của Ngưu Lang Chức Nữ xa xưa trong ngày đoàn tụ. Những hạt mưa lắc rắc trên mái nhà như tiếng thiếu phụ đang tỉ tê kể cho tình quân nghe bao nỗi niềm. Những thương nhớ vu vơ từ đâu đó vụt về trong phút chốc. Và ngoài trời cứ êm êm những làn mưa ngọt mát đuổi nhau. Không gian ấm áp, âm thanh mê đắm của cơn mưa dường như cũng lan sang người. Nó làm ta bồi hồi tâm trí, bàn tay vô thức kéo thêm chiếc mền mỏng để cuộn chặt hơn. Hơi ấm đôi tay. Hơi ấm bờ vai. Hơi ấm vòng tay choàng qua cùng tiếng mưa êm êm trên mái nhà như ru ta vào giấc ngủ sâu hơn.
Thời nay, có thể vẫn còn có những cặp vợ chồng Ngâu. Có khác chăng chỉ là không phải ở mùa tháng 7 mưa ngâu. Đó là những cặp vợ chồng do công việc mà phải sống xa nhau, một năm vài ngày sum họp. Cũng có những nhà vì lí do nào đó mà hai vợ chồng bên cạnh nhau nhưng ít nói chuyện, ít những giao tiếp thông thường. Thậm chí người ta coi trên cõi ảo nhiều hơn bạn bè ngoài thực tế. Vậy thì đó cũng chính là những cặp vợ chồng Ngâu theo một nghĩa nào đó.
Tháng 7 mùa Ngâu cũng là tháng 7 có mùa Vu lan báo hiếu. Các chùa chiền, rồi từng gia đình sắm sanh trang hoàng cúng kiếng ông bà, cha mẹ hay những người đã khuất. Ta nhận từ sư thầy bông hoa hồng trắng gài lên ngực áo mình và bông hồng đỏ gắn lên áo bạn. Bạn cầm tay ta mà cùng nhớ về công ơn trời biển của các bậc sinh thành, người đã đi xa và người đang còn bên con cháu. Nén nhang thơm tỏa làn khói mỏng, ngoài trời mưa rắc sụt sùi… Phút giây ấy giúp ta thấy quý hơn bầu không khí ấm cúng dưới mái nhà, thấy có sự hiện hữu của những người đã khuất đang trở về sum họp cùng người thân.
Những ngày tháng 7 này là lúc dịch đang dữ dội nhất. Trong giấc ngủ chập chờn thấy lo, thấy thương những bạn bè người thân và bao người dân- nhất là những người buôn gánh bán bưng, những người dân lao động tự do- sẽ tiếp tục sống như thế nào khi phải dừng công cuộc mưu sinh để vượt qua đại dịch này? Nhiều khi không có mưa ngâu, không có dải Ngân Hà mà những Ngưu Lang- Chức Nữ vẫn mãi là khoảng cách. Bao nhiêu người kẹt lại ở thành phố, oằn mình chịu đựng, chia sẻ những thiếu thốn nhưng không thể về quê để bữa rau bữa cháo có nhau. Dịch bệnh đồng nghĩa với sự ngăn cách kinh khủng nhất, đến ngay bên nhau mà cũng không dám nói với nhau qua lớp khẩu trang, nào nói chi đến dải Ngân hà.
Có bao giờ phải vịn vào câu của ông cha ta “Bao giờ cho đến tháng Mười; Nồi cơm thì cười, nồi cá thì reo” để mà hy vọng?
Bích Thiêm