09:08, 24/08/2021

Giai điệu thu vàng

Mùa thu luôn gợi cảm hứng cho giới sáng tác, đặc biệt là âm nhạc. Chúng ta không thể không nhắc đến những nhạc sĩ thời tiền chiến với những nhạc phẩm bất hủ với chủ đề mùa thu như  Đoàn Chuẩn - "ông hoàng của những bản nhạc mùa thu" làm say đắm bao thế hệ như: Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh; Cung Tiến có Thu vàng; Đặng Thế Phong với Con thuyền không bến; đặc biệt là Văn Cao với Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Thiên thai…

Mùa thu luôn gợi cảm hứng cho giới sáng tác, đặc biệt là âm nhạc. Chúng ta không thể không nhắc đến những nhạc sĩ thời tiền chiến với những nhạc phẩm bất hủ với chủ đề mùa thu như  Đoàn Chuẩn - “ông hoàng của những bản nhạc mùa thu” làm say đắm bao thế hệ như: Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh; Cung Tiến có Thu vàng; Đặng Thế Phong với Con thuyền không bến; đặc biệt là Văn Cao với Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Thiên thai… Đó chính là những giai phẩm vượt thời gian, nếu không muốn nói là đỉnh cao của nền âm nhạc Việt với tất cả vẻ đẹp diễm lệ của mùa thu  trong âm nhạc.


Lớp nhạc sĩ sau có Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Vũ Đức Sao Biển… cũng có những bản nhạc chủ đề mùa thu đặc sắc như: Nhìn những mùa thu đi, Mùa thu cho em, Thu hát cho người…


Có một nét nhạc thu rất đặc sắc đó là không gian, tình cảm, hương sắc mùa thu gắn liền với một miền đất, ký ức lịch sử như: Hà Nội, Nha Trang, Cách mạng tháng Tám… được âm nhạc thể hiện vừa phong phú vừa gợi cảm. Người nhạc sĩ với nét phóng khoáng của mình đã dành cho mùa thu với sự thanh thoát, diệu vợi cảnh sắc và tràn trề cảm xúc. Đó chính là những bản nhạc mang hơi thở thời đại. Nhạc sĩ Phú Quang trước nét thanh tao dịu dàng của mùa thu cũng không cầm lòng được mình, nổi tiếng với Đâu phải bởi mùa thu (phổ thơ Giáng Vân) lời ca đầy khắc khoải, đầy xao xuyến. Ra đời đầu thập niên 90, đúng thời điểm thăng hoa của Phú Quang nên bản nhạc trở nên nổi tiếng từ giai điệu đến lời ca. Bản nhạc Khúc mùa thu (phổ thơ Hồng Thanh Quang) qua tiếng hát thánh thót của NSND Lê Dung trên nền nhạc đệm của tiếng dương cầm cho đến giờ này vẫn làm ám ảnh bao người yêu nhạc. Bài hát có câu thơ - lời ca nổi tiếng “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” cứ ngân nga mãi trong tiếng gió heo may của mùa thu.


An Thuyên là nhạc sĩ của những bản nhạc đậm chất dân ca hay tình ca người lính. Trong  gia tài âm nhạc đồ sộ của ông hầu như thiếu hẳn những bản nhạc về mùa thu. Ấy vậy mà tại một cuộc thi ca nhạc Sao Mai ở Nha Trang năm 2005, trong đêm chung kết, khán giả nghe được bản nhạc vô cùng lãng mạn trên nền của nhạc giao hưởng có tên Dương cầm thu không em qua giọng ca của thí sinh đạt giải nhất Lê Anh Dũng. Công chúng nghe nét nhạc thấy giai điệu lạ, lời ca mượt mà rất cảm xúc được trình diễn ở đêm chung kết Sao Mai lại gắn liền với tên người giám khảo của cuộc thi: Nhạc sĩ An Thuyên. Theo nhạc sĩ thì trong một đêm thu Hà Nội, ông đã viết bản nhạc trên nền bài thơ của Thi Ngàn, viết xong ông cứ ngỡ như Hà Nội trở nên tĩnh lặng chỉ có tiếng lá rơi và dương cầm gieo nhạc. Bản nhạc cứ để đó cho đến một ngày ông đưa cho giọng ca trẻ đầy triển vọng khi đó là Lê Anh Dũng và chỉ đến khi Sao Mai điểm hẹn, Lê Anh Dũng mới giới thiệu. Sau này, bản nhạc gắn liền với giọng ca này và chính ca sĩ đã lấy tên bài hát đặt tên cho một album nổi tiếng của mình.


Với mùa thu, làm sao ta có thể không ngân nga một bản tình ca từ lời thơ đến nét nhạc đều do những tên tuổi nổi tiếng của nền văn nghệ cách mạng là Phan Huỳnh Điểu và Xuân Quỳnh. Bài thơ Thơ tình cuối mùa thu đã nổi tiếng trong gia tài thơ của Xuân Quỳnh từ đầu thập niên 70,  còn việc Phan Huỳnh Điểu  phổ thơ để đem đến cho công chúng một giai phẩm tuyệt vời như một nhân duyên tất yếu. Chính Phan Huỳnh Điểu bày tỏ ông với Xuân Quỳnh “nên duyên” chỉ 2 tác phẩm Thuyền và biển và Thơ tình cuối mùa thu cũng đã hết sức hạnh phúc. Thực tế đây là bài thơ dành cho những lớp người đã “sang thu” ngẫm về cuộc sống, về cuộc đời đã qua và nhìn lớp trẻ với bao cảm nghĩ vì thời gian đã trôi qua, nhưng với giai điệu của Phan Huỳnh Điểu thì đây là bản tình ca xúc động nhất trong những bản nhạc mùa thu. Bản nhạc dễ nghe, dễ hát và dễ thuộc nên tạo âm hưởng ngân nga mãi trong lòng người suốt hơn 40 năm qua.


Những bản nhạc chủ đề mùa thu đem những âm hưởng sâu lắng và gợi cảm biết bao… Một mùa thu tới cho gió mây ngàn bay.


Dương Trang Hương