09:08, 20/08/2021

Đong đầy tình cảm

Buổi sáng, một đồng nghiệp đi làm tới cơ quan mang theo những túi rau xanh nho nhỏ chia cho các đồng nghiệp, ai cũng mừng rỡ. Nhà của bạn ở vùng ven, vẫn có thể mua của hàng xóm được ít rau trong vườn. Rau xanh những ngày này trở thành của hiếm, nhất là khi được bạn cẩn thận mang theo sau bao nhiêu lần trình giấy tờ để qua các chốt phòng dịch. Một đồng nghiệp cao tuổi nhận quà xúc động: Y như thời bao cấp ngày xưa, kiếm được chút thức ăn là mừng húm hít, có ai nghĩ bây giờ lại được sống lại cái ấy cơ chứ(!)

Buổi sáng, một đồng nghiệp đi làm tới cơ quan mang theo những túi rau xanh nho nhỏ chia cho các đồng nghiệp, ai cũng mừng rỡ. Nhà của bạn ở vùng ven, vẫn có thể mua của hàng xóm được ít rau trong vườn. Rau xanh những ngày này trở thành của hiếm, nhất là khi được bạn cẩn thận mang theo sau bao nhiêu lần trình giấy tờ để qua các chốt phòng dịch. Một đồng nghiệp cao tuổi nhận quà xúc động: Y như thời bao cấp ngày xưa, kiếm được chút thức ăn là mừng húm hít, có ai nghĩ bây giờ lại được sống lại cái ấy cơ chứ(!)

 

Lãnh đạo Tỉnh đoàn trao quà cho người dân  trong các khu nhà trọ thuộc phường Vĩnh Phước. (Ảnh: VĨNH THÀNH)

Lãnh đạo Tỉnh đoàn trao quà cho người dân trong các khu nhà trọ thuộc phường Vĩnh Phước. (Ảnh: VĨNH THÀNH)


Thời bao cấp là một giai đoạn chỉ những người thế hệ 8x đời đầu trở về trước là hình dung ra và còn giữ được những kỷ niệm. Những người lớn tuổi từng làm chủ gia đình trong thời ấy càng thấm thía những gì đã trải qua khi bươn chải lo miếng ăn, cái mặc hàng ngày. Còn thế hệ 9x trở về đây, nghe kể chuyện thì cười ba mẹ già, luôn thích ôn nghèo kể khổ như cổ tích, toàn những chuyện không thể tưởng tượng được. Thời bao cấp gắn với sổ gạo, tem phiếu, với hàng phân phối… Thời đó sổ gạo là điều quan trọng sống còn với mỗi gia đình, chả thế có câu “mặt trông như mất sổ gạo” để chỉ những ai lo buồn, sợ hãi đến thất thần.


Trong những ngày thành phố chống chọi với dịch bệnh, lần đầu được phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần, bạn bè khoe ầm ỹ trên phây. Ai cũng chụp lại để nhờ “ông phây” giữ hộ kỷ niệm khó quên này, để có trải nghiệm trở về thời tem phiếu. Ngày đầu còn có vẻ khoái chí, trêu chọc nhau coi chừng mất phiếu treo niêu, nhưng đến mấy ngày sau thì…biết sợ. Không lo sao khi tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, giãn cách rồi cách ly miết thì rau xanh, thực phẩm đứt nguồn cung, chợ đóng cửa, siêu thị thì đầy cạm bẫy. Những lúc này thì những món quà giản dị, cây nhà lá vườn như của đồng nghiệp trở nên thiết thực và thật quí giá, đong đầy tình cảm.


Mình ở nhà, dẫu gì thì cũng có thể xoay sở được để có rau, có thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày mà nhận được túi rau kia còn thấy mừng và cảm động, huống chi những người dân nghèo trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Cứ từ mình ra mà hiểu, để trân trọng và cảm phục những tấm lòng nhân ái khi những chuyến xe lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu ùn ùn chạy về Trung tâm cứu trợ Covid-19 tỉnh. Để rồi mỗi chuyến xe về, chị em của Hội Phụ nữ tỉnh cần mẫn bốc dỡ, những bóng áo xanh của thanh niên tình nguyện chuyển tiếp lên xe của mình trực chỉ về các địa chỉ cần được cứu trợ. Có bạn sau mỗi chuyến đi tâm sự trên phây “chỉ cần nhìn những ánh mắt của người dân khi ra hàng rào khu cách ly nhận gói quà, bao nhiều mệt mỏi bay hết…” Những thông tin về những chuyến hàng cứu trợ, những tấm gương thiện nguyện tràn ngập trên báo chí tiếp cho chúng ta nguồn năng lượng mới để đương đầu với hoàn cảnh. Đúng là chỉ những khi hoạn nạn mới hiểu hết lòng người.


Lan man nhớ lại thời bao cấp. Những ai đã sống qua thời ấy, giờ nhớ lại đều chung một khẳng định, thời ấy nghèo khó nhưng người sống với nhau thật tình cảm. Trong khu tập thể, sau bữa cơm chiều, la cà qua nhà hàng xóm uống trà, coi ké ti vi là nếp sống quen. Chuyện đi công tác xa, nhờ hàng xóm bên cạnh cho con ăn nhờ, ngủ nhờ, đưa đi học giùm là chuyện bình thường. Đi công tác huyện về, mua được mớ xoài, mớ sắn nước…chia cho hàng xóm mỗi người chút ăn lấy thảo. Có phải khi người ta bị dồn vào một hoàn cảnh như nhau thì sự sẻ chia nảy sinh? Giống như giờ ai cũng có chung một nỗi lo dịch bệnh, mọi người xích lại gần nhau thêm.


Hình như nếp sống mộc mạc, đùm bọc đầy tình cảm như thời bao cấp đang có dịp quay trở lại trong những ngày cả xã hội đương đầu với dịch bệnh này.


Thủy Ngân