Khi lớn tuổi, người ta thường nhớ về những chuyện đã qua. Có khi tự nhiên dòng ký ức bất chợt thức dậy trong tâm trí, song cũng có khi do một sự việc nào đó dù rất nhỏ diễn ra chung quanh làm người ta liên tưởng rồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời.
Khi lớn tuổi, người ta thường nhớ về những chuyện đã qua. Có khi tự nhiên dòng ký ức bất chợt thức dậy trong tâm trí, song cũng có khi do một sự việc nào đó dù rất nhỏ diễn ra chung quanh làm người ta liên tưởng rồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời.
Sáng nay, tôi thức dậy khi bên ngoài trời vẫn mờ mờ tối và không khỏi ngạc nhiên vì ngay giữa khu phố nhộn nhịp mình đang sống bất ngờ vang lên tiếng gà gáy. Tiếng gáy thỉnh thoảng lại lanh lảnh, lan đi trong không gian yên tĩnh. Mở cửa, lắng nghe, thì ra cách chỗ tôi không xa, trên tầng cao, nhà ai đó mới nuôi một chú gà trống. Tiếng gà gáy cứ chênh chao, kéo tôi về những năm tháng tuổi thơ sống ở vùng quê nghèo. Cũng vào giờ này đây, hồi xưa, tôi nhớ rất nhiều bữa, cha tôi đã đánh thức tôi dậy dắt trâu đi ăn sớm để có sức kéo cày vì đang lúc làm đồng. Con trâu cứ lặng lẽ gặm cỏ trong bóng tối mờ mờ tạo nên âm thanh sồn sột đều đều, còn tôi cứ ngồi yên trên lưng nó, trong khi trên trời cao, một số vì sao vẫn còn lấp lánh và chung quanh, ở khắp xóm trên, xóm dưới, những tiếng gà thi nhau gáy như một bản đồng ca, lúc thấp lúc cao…
Ở quê, người ta thường ngủ sớm và thức dậy sớm. Rất nhiều bữa, tôi giật mình thức giấc đã thấy cha mẹ ngồi bên bếp lửa vừa chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình, vừa thì thầm nhỏ to, bàn chuyện ruộng vườn hay chuyện học hành của con cái, trong lúc con gà trống tía già ngủ ở mấy thanh tre bên chuồng heo thỉnh thoảng vỗ cánh phành phạch, cố phát ra tiếng gáy cho to như để thi nhau với đám gà bạn bè còn trẻ ở các nhà hàng xóm.
Quê chúng tôi gần rừng. Vào những ngày hè, để giúp cha mẹ, chúng tôi thường dậy sớm nấu cơm, một phần ăn tại nhà, một phần gói vào những chiếc mo cau mang theo cùng một ít muối rang. Đoàn quân trẻ con, mỗi đứa trên tay một chiếc rựa cùng một chiếc đòn xóc, gọi nhau í ới, rồi tập hợp lại cùng hăm hở bước đi trên con đường gập ghềnh còn ẩm hơi sương giữa lúc gà đang gáy những hồi cuối cùng để gọi mặt trời lên…
Dường như ở làng quê, chẳng ai chú ý đến tiếng gà gáy là mấy, vì đó là điều quá bình thường, diễn ra ngày nối ngày. “Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi!/Nghe sao ấm áp tựa nghe đời/Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp/Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi/Cha dậy đi cày trau kịp vụ/Hút vang điếu thuốc khói mù bay/Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu/Chút cá kho tương mẹ vội bày”. Tôi nhớ hồi còn học cấp 2, khi đọc đoạn thơ trên trong bài thơ “Sớm mai gà gáy” của nhà thơ Huy Cận, tôi nghĩ, ông nhà thơ này hết thứ hay sao mà tiếng gà gáy cũng đưa vào thơ. Giờ thì tôi hiểu rồi. Tiếng gà gáy giữa thành phố tưởng chừng chỉ là chuyện bình thường mà sao bỗng dưng làm cho một người xa quê lâu ngày có bao điều bồi hồi. Bờ tre, giếng nước, thôn xóm… với bao tình cảm yêu thương gắn bó một thời cũng lần lượt hiện lên. Cha mẹ tôi và bao người thân lớn tuổi đã qua đời lâu rồi, vậy mà bây giờ cứ tưởng như họ đang đứng bên mình trong những buổi sớm mai bên bếp lửa mùa đông…
Vợ tôi hôm nay cũng thức dậy sớm. Tưởng vợ là người sinh ra, lớn lên ở thành phố, không để ý tới tiếng gà, nào hay vừa thấy tôi, vợ đã nói ngay:
- Anh, nhà ai có nuôi con gà, nó gáy ngộ quá ha!
Tôi chưa kịp nói gì thì vợ tôi đã tiếp:
- Nghe tiếng gà gáy em nhớ hồi nhỏ quá. Hồi đó sống ở Hà Nội, để tránh bom Mỹ, học sinh chúng em được đưa đi sơ tán lên một làng ở Phú Thọ. Sáng sáng cũng vào giờ này, cả làng rộ lên tiếng gà… Bây giờ nghe, tự nhiên thấy nhớ ghê á!
Hoàng Anh