10:07, 16/07/2021

Ly nước tía tô trong mùa Covid-19

Hôm đó tôi nói chuyện với người dì ở Mỹ. Tôi chuẩn bị đi ngủ, còn bên ấy, dì đang ngồi ở hiên sau nhà nhìn ra vườn nhâm nhi ly cà phê sáng. Dì nói, lát nữa dì hái rau tía tô để nấu nước uống cả ngày, làm vài việc lặt vặt trong vườn như nhổ cỏ, vun đất cho cây và ngắm hoa. Dì nói thêm: "Cả nhà uống nước lá tía tô thay trà, uống riết ghiền luôn. Bên này nhà nào có vườn đều trồng tía tô để nấu nước uống. 

Hôm đó tôi nói chuyện với người dì ở Mỹ. Tôi chuẩn bị đi ngủ, còn bên ấy, dì đang ngồi ở hiên sau nhà nhìn ra vườn nhâm nhi ly cà phê sáng. Dì nói, lát nữa dì hái rau tía tô để nấu nước uống cả ngày, làm vài việc lặt vặt trong vườn như nhổ cỏ, vun đất cho cây và ngắm hoa. Dì nói thêm: “Cả nhà uống nước lá tía tô thay trà, uống riết ghiền luôn. Bên này nhà nào có vườn đều trồng tía tô để nấu nước uống. Tuy nhiên chỉ có mùa ấm áp này thôi, mùa lạnh không thể trồng được”.  Bạn tôi ở Canada cũng nói: “Bên này nhiều người uống nước tía tô, tốt cho ai đau khớp. Chợ bán 35 đô la Canada/kg. Xứ lạnh khó trồng, chỉ được ba tháng hè thôi”.  
 
Thú thật, hồi giờ tôi chỉ biết lá tía tô có tác dụng tốt cho bệnh cảm, ho và là một loại rau gia vị trong các món bún cá, nem nướng, hay có thể thay lá lốt cho món bò nướng… Và tôi thật ngạc nhiên khi tra Google về một số công dụng của nó khi nấu nước uống hàng ngày, hỗ trợ chữa trị một số bệnh như: Gout, hen suyễn, mề đay, dạ dày…
 
Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần trong nhà có ai bị cảm cúm, bài thuốc đảm bảo khỏe ngay của mẹ tôi là nồi lá xông và tô cháo với lá tía tô xắt nhuyễn, bỏ vào cháo vừa múc ra, đập thêm quả trứng gà. Nồi xông của mẹ tôi hồi ấy chỉ có nắm sả, ít lá chanh và nhúm tía tô. Mẹ trồng tía tô trong chậu. Cây chanh cạnh thềm giếng cho trái quanh năm. Mẹ nói nhờ ở vị trí mát mẻ và được tưới nước thường xuyên. Sả và tía tô thuộc loại dễ trồng, chỉ cần giâm xuống đất, chịu khó tưới là chúng tự lên. Mẹ tôi còn trồng một ít rau thơm khác như: Húng quế, kinh giới, ngò gai… 
 
Nói đến tía tô, tôi nghĩ ngay tô bún cá sứa. Thiếu rau này trong đĩa rau xắt ghém là hỏng mất mùi và vị ngon của món này. Còn nữa, trong đĩa rau sống của một vài hàng phở ở Nha Trang thường có ít lá tía tô. Với món nem nướng thì tía tô tạo ra vị ngon, thơm đặc trưng. Tía tô nêm vào món cà tím xào làm dậy mùi thơm… 
 
Mùa dịch, tôi bắt chước dì, ngày nào cũng có nồi nước lá tía tô cho cả nhà uống. Thích nhất là sau khi rửa rau xong, bàn tay tôi thơm thoảng nhẹ mùi thảo dược. Cứ đầu giờ chiều tôi nấu nồi nước lá, mùi thơm ấm áp lan tỏa khắp nhà. Các con tôi làm việc từ nhà, nồi nước tía tô bốc khói làm chúng xuýt xoa: “Thơm quá mẹ ơi!”. Lại có hôm, con trai tôi đang làm việc bỗng quay ra nói: “Ngửi mùi này con thèm tô phở Nha Trang”. 
 
Nước lá tía tô rất dễ uống, như uống trà. Có hôm tôi nấu với ít đường phèn, khi múc nước ra ly, tôi vắt vào một miếng chanh, nước lá từ màu nâu nhạt chuyển sang màu hồng đỏ rất đẹp. Ly nước tía tô có thể coi như một bài thuốc phòng, chống cảm cúm, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Và, quan trọng nhất là các con tôi sẽ có kỷ niệm về một mùa giãn cách làm việc ở nhà, mỗi ngày có mẹ đem đến bàn ly nước lá tía tô còn bốc khói. Hít mùi thơm lan tỏa nhè nhẹ, chúng sẽ hiểu đó là tình yêu thương, sự nhẹ nhàng của mẹ dành cho, cũng như tôi lại nhớ về kỷ niệm tô cháo tía tô nóng hổi hay nồi lá xông thơm lừng của mẹ ngày xưa mỗi khi trong nhà có ai đó bị ốm. 
 
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN