10:03, 16/03/2021

Giêng, Hai nỗi nhớ đong đầy…

"Giêng, Hai nỗi nhớ đong đầy/Nhớ quê, nhớ kiểng, nhớ mây trên trời". Chắc người làm ra câu ca dao trên là một người xa quê và có nỗi nhớ quê nhà da diết lắm mỗi khi sang độ Giêng, tháng Hai. Sẽ có ai đó hỏi một câu cắc cớ rằng, sao không nhớ tháng năm nào lại chỉ nhớ về độ Giêng, Hai? 

“Giêng, Hai nỗi nhớ đong đầy/Nhớ quê, nhớ kiểng, nhớ mây trên trời”. Chắc người làm ra câu ca dao trên là một người xa quê và có nỗi nhớ quê nhà da diết lắm mỗi khi sang độ Giêng, tháng Hai. Sẽ có ai đó hỏi một câu cắc cớ rằng, sao không nhớ tháng năm nào lại chỉ nhớ về độ Giêng, Hai? Có thể người làm ra câu ca trên ẩn chứa trong lòng những nỗi niềm riêng, nhưng có điểm chung là ở các vùng quê, sau Tết Nguyên đán, vào tháng Giêng, tháng Hai cảnh vật rất đẹp. Với tôi cũng vậy, rất nhiều khi nhìn cái nắng Giêng, Hai trong veo tràn ngập, lòng lại bồi hồi…


Cũng như nhiều vùng quê miền Trung khác, ở quê tôi vào thời gian này trời thường mát dịu, cây lá mượt hơn và màu của các loài hoa cũng rực rỡ hơn. Đặc biệt, những cây sầu đông trước đó trơ trụi, toàn cành là cành thì giờ bắt đầu bung lá và nở đầy những chùm hoa tím li ti. Nhiều chỗ trên đường hoa rụng thành đám, ngát hương. Trong nắng xuân, lúa ngoài đồng đã lên đòng, ngậm sữa và đàn ngỗng trời suốt mùa đông bay đi di trú ở phương xa, giờ đây cũng đã trở về, dang cánh, lượn lờ trên bầu trời cao lồng lộng sắc xanh. Các loài chim khác như chào mào, bồ chao, cà cưỡng, chàng làng…, tất cả từng đôi, bắt đầu rủ nhau tha từng cọng cỏ, mang lên các vòm cây, xây tổ. Trên dòng sông Cái, những chiếc thuyền đánh cá thỉnh thoảng lại gióng lên âm thanh lộp cộp, lộp cộp của những mái chèo…


Đẹp. Yên bình. Tôi đã đi qua những độ Giêng, Hai nơi làng quê yêu dấu của mình với những buổi chăn trâu cùng mấy đứa bạn trong xóm, ngắm trời, ngắm mây, cùng đùa vui trên các ngọn đồi nở tím sim, mua; cùng tung tăng trên những mảnh đất trống ven sông phủ đầy những đám hoa xuyến chi đậm một màu trắng tinh khôi. Tôi đã đi qua những độ Giêng, Hai bên các mái trường thân thương cùng thầy cô, để rồi theo nhịp đập thời gian, khi sang tuổi mười tám đã vụng về ngỏ lời yêu cho mối tình đầu. Cuộc tình chân quê sâu đậm tưởng chừng khó có thể bị cách ngăn, nhưng thời ấy chúng tôi còn trẻ quá giữa cuộc đời đầy ắp lo toan. Tôi phải vào đại học, còn em không thể chờ tôi mãi nên đành theo lời mẹ cha đi lấy chồng. Ngày chúng tôi nói lời chia tay cũng vào độ Giêng, Hai, khi bên bờ sông Cái hoa cải vàng bung đầy, từng đám giăng giăng.


Nhà chồng em bên kia sông. Nhiều bận vào các tháng Giêng, Hai, tôi về ghé thăm, dù đã qua cái thời tóc xanh mười tám, dù không ai nhắc chuyện xưa nhưng qua ánh mắt em, tôi biết em vẫn còn nhớ hoài một thời chứa đầy kỷ niệm.


Sáng nay, ngồi đọc bài thơ “Anh muốn được gọi em là vợ” của nhà thơ Nga - Konstantin Mikhailovich Simonov do Hồng Thanh Quang dịch, trong đó có hai câu rất gợi: “Có ai đó, khi đời xế bóng/Sẽ hờn ghen, với ảnh chính mình xưa”. Không, tôi không hề hờn ghen với chính mình xưa, mà lòng chợt nao nao với nỗi nhớ đong đầy…


Hoàng Anh