10:02, 02/02/2021

Hoài cảm về phiên chợ cuối năm

Đó là phiên chợ tràn đầy cảm xúc nhất trong một năm với mỗi người, làm cho tâm hồn người đi chợ thổn thức trong rộn rã tiếng người với âm thanh khác biệt của chợ ngày cuối năm. Bởi thế, hầu như ai cũng muốn đi phiên chợ cuối năm để mua sắm cho ngày Tết đủ đầy, hy vọng ấm áp mùa xuân. Đi chợ Tết thưởng thức hương vị ngào ngạt của Tết đang tới trước thềm xuân.

Đó là phiên chợ tràn đầy cảm xúc nhất trong một năm với mỗi người, làm cho tâm hồn người đi chợ thổn thức trong rộn rã tiếng người với âm thanh khác biệt của chợ ngày cuối năm. Bởi thế, hầu như ai cũng muốn đi phiên chợ cuối năm để mua sắm cho ngày Tết đủ đầy, hy vọng ấm áp mùa xuân. Đi chợ Tết thưởng thức hương vị ngào ngạt của Tết đang tới trước thềm xuân.

 

Một phiên chợ Tết ở chợ Đầm, Nha Trang.

Một phiên chợ Tết ở chợ Đầm, Nha Trang.


Từ những năm 40, thi sĩ Đoàn Văn Cừ có bài thơ nổi tiếng “Chợ Tết” đã vẽ một bức tranh phiên chợ Tết quê vừa rộn vui rực rỡ nhưng cũng hanh hao buồn luyến tiếc về cái lung linh đang đến và sẽ qua: “...Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc/Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ...”. Đó là sắc màu dân tộc, làng quê và hồn người qua một phiên chợ Tết huyền ảo mà hiện thực, lung linh rực rỡ náo nhiệt mà sâu lắng bâng khuâng hoài nhớ.


Có lẽ không gì đẹp hơn những sắc màu của phiên chợ Tết cuối năm với màu lá dong, lá chuối trải rộng xanh biếc bên những bó lạt tre óng ả trắng ngà mềm mại, thúng gạo nếp thoang thoảng thơm bên thúng đậu xanh mượt mà. Chỉ nhìn thấy ai cũng nghĩ đến hương khói nghi ngút của nồi bánh chưng cuối năm. Những chậu hoa Tết ở góc chợ chắc chắn làm rực rỡ những khuôn mặt người xem và mua, đó là những bát hoa thủy tiên trắng ngần, trong veo trong làn nước như ngọc từ những củ hoa đã nhú những mầm xanh biêng biếc - loài hoa hy vọng của tối giao thừa. Đó là cành đào phai phơn phớt trong sương ảo như khói giăng trên tay người bán như dâng tặng người mua. Ngày xưa, cành đào chỉ chơi trong độc bình đặt trên bàn gia tiên ngày Tết, có cành đào với bánh pháo sắc hồng nghĩa là Tết đã an lành, hương xuân đã tới, vì thế ai cũng cố mua một cành đào về chơi Tết.


Có lẽ phiên chợ Tết xưa những món hàng thực phẩm không được chuộng bày bán vì sự tự cung tự cấp là chủ yếu, chợ Tết thiên về sắc màu văn hóa nên mức độ sầm uất, phong phú, đa dạng thua xa ngày nay, nhưng sự cô đọng thì ngày nay không bao giờ bằng ngày xưa.


Chúng ta sẽ nói về những phút giây chia tay phiên chợ Tết xưa. Đây là một khoảnh khắc rất linh thiêng đầy bâng khuâng với mỗi người. Nếu như buổi sớm phiên chợ rộn rã, náo nhiệt và rực rỡ bao nhiêu thì cảnh tan chợ ai rời đi hay bước qua đều muốn trào nước mắt vì sự cô quạnh của nó: “Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Tất cả qua như một giấc mơ.


Ngày nay, những phiên chợ Tết không bằng những siêu thị hiện đại về sự trang trí không gian nhưng màu thời gian thì chợ truyền thống vẫn có nét riêng lưu nhớ những gì còn của ngày xưa. Tuy vậy, tất cả đã phai nhạt... vì sự đổi thay quá nhiều.


Dương Trang Hương