Con đường nhà tôi là con đường của người tứ xứ tìm đến. Bởi mấy chục năm trước, nơi này chỉ là bãi cát với lau lách mọc đầy, nhiều hố trũng do người ta múc cát để xây nhà. Trong cuộc mưu sinh, nhà cất lên, đường mở ra, nay trở thành một khu phố đông dân. Tính ra đã 26 năm, khi đó cây dừa trước nhà ra trái, với tay hái được, nay nó cao đến độ những người hái dừa thuê cũng ngại leo lên.
Con đường nhà tôi là con đường của người tứ xứ tìm đến. Bởi mấy chục năm trước, nơi này chỉ là bãi cát với lau lách mọc đầy, nhiều hố trũng do người ta múc cát để xây nhà. Trong cuộc mưu sinh, nhà cất lên, đường mở ra, nay trở thành một khu phố đông dân. Tính ra đã 26 năm, khi đó cây dừa trước nhà ra trái, với tay hái được, nay nó cao đến độ những người hái dừa thuê cũng ngại leo lên.
Khu đất nhà tôi rộng, tôi mở một tiệm tạp hóa để có thể giao lưu với người trong xóm. Tiệm tạp hóa trở thành nơi thông tin mọi chuyện, từ những chị hàng xóm mua hàng kể lại. Mỗi buổi sáng, nếu không bận việc, tôi lại mở cửa tiệm.
Thời gian cứ thế trôi. Để có những ngày, tiệm tạp hóa mở ra, có những người khách đã không còn nữa. Bác cựu chiến binh sống với vợ trong căn phòng nhỏ ở con hẻm cách nhà tôi vài chục mét cứ gọi điện mang hàng tới vì tuổi già đi không được. Mỗi khi giao hàng, tôi thường ngồi uống trà với bác. Giờ thì bác đã mất, sau đó mấy tháng thì bác gái cũng qua đời.
Thêm dăm người trong xóm tôi vắng mặt như quy luật. Bà cụ tóc trắng hay ghé mua sữa, mua thêm bịch cà phê, đường, nước mắm mỗi khi con trai út về. Bà nói mua cho nó vì nó nghèo lắm. Một hôm gió lay xào xạc trên những hàng cây, bà giã từ cuộc sống này.
Những mất - còn trong cuộc đời ở cái xóm nhỏ của tôi giống như giấc mộng. Sát vách nhà tôi là đôi vợ chồng sống vui vẻ. Vậy mà người chồng bệnh qua đời, vài tháng sau đến người vợ. Giờ con trai lớn mới 35 tuổi đứng ra làm chủ hôn cho em gái 25 tuổi của mình. Rồi bà bán bánh căn ở góc đường tôi hay mua đã vắng bóng. Bà ở với con gái đã 30 tuổi vẫn đơn lẻ trên đời, giờ cô ấy chỉ còn một mình. Hay cặp vợ chồng vẫn bán xôi góc đường Võ Trứ đã không còn bán, và cả người ăn xin lặng lẽ ngồi ngã tư đường như cũng đã vắng mặt.
Trong sự vắng mặt ấy, không có giới hạn tuổi tác, thời gian và không gian. Những cuộc chia lìa không báo trước, để lại cho ta những khoảng không vô tận về phận người, về còn và được. Như anh bạn nhà thơ ở Tây Ninh, mới nhắn tin hẹn gặp thì anh đã không còn nữa; như đang bay trên một chuyến bay, vừa hạ cánh thì nghe tin một người bạn bị tai nạn giao thông. Cứ thế, cứ tưởng rằng không thể xảy ra, những bữa cơm của những gia đình vắng mặt ai đó, những cuộc hẹn rơi vào thinh không.
Vì thế, tôi thường không bao giờ hẹn “vài bữa, hôm sau nhé”. Ai đó nói gặp nhau, tôi nhận lời ngay tức thì, bởi những từ đó có thể là không bao giờ. Tôi luôn giữ đúng lời hứa cho các cuộc hẹn, dẫu hôm đó thời tiết bất thường. Đời người ngắn ngủi. Mỗi ngày qua đi là ngày đó trở thành quá khứ, và cuộc đời chúng ta chất chồng biết bao nhiêu quá khứ. Tỷ dụ mùa thu năm ngoái, tôi rủ vợ chồng anh bạn đi Hàn Quốc, anh nói: “Năm nay bận rồi, sang năm đi”. Cái sang năm hớn hở đó cả thế giới lo toan chống dịch Covid-19, các nước đóng cửa du lịch. Mùa thu ở Hàn Quốc, những cây lá phong và ngân hạnh vẫn nhuộm đỏ nhuộm vàng các con phố nhưng lời hẹn ấy đã không thành.
Sáng hôm nay, mở cửa nhà, nhìn ra đường, giàn hoa giấy tôi trồng nhiều năm trước đã xác xơ bởi cơn bão vừa qua phố. Những chiếc lá xanh và hoa rụng đầy trước hiên nhà. Ngay cả đời hoa cũng không thể quay vòng cho đủ niềm vui? Và con đường trước nhà tôi đó, những chiếc xe máy phóng qua, những bóng người phóng qua. Có những người đã không còn đi trên con đường này, và nhiều con đường khác.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG